Tích cực tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch độc đáo để thu hút du khách

Các địa phương trọng điểm du lịch đang tích cực tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút khách đến trong những tháng cuối năm; trong đó có Lễ hội mùa Thu-Festival Huế 2023.
Phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến hết tháng Bảy vừa qua, toàn ngành đã đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách du lịch quốc tế.

Bên cạnh đó, lượng khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 416.600 tỷ đồng. Du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.

Các địa phương trọng điểm du lịch đang tích cực tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút khách đến trong những tháng còn lại của năm 2023. Website du lịch quốc gia (https://vietnam.travel) của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thường xuyên quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch, sự kiện nổi bật của Việt Nam, trong đó có Lễ hội mùa Thu-Festival Huế 2023.

Lễ hội mùa Thu với chủ đề “Huế vào Thu” sẽ diễn ra đến hết tháng Chín tới với điểm nhấn là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng, Lễ hội Đèn lồng, Ngày hội lân, hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân…

[Festival Thu Hà Nội 2023 quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch độc đáo] 

Đặc biệt, Lễ hội Áo dài “Chuyện kể từ một dòng sông” diễn ra tối 12/8 sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam. Ban Tổ chức mong muốn thông qua lễ hội này để đổi mới, nâng chất lượng nghệ thuật và từng bước đưa Lễ hội Áo dài Huế thành một chương trình nghệ thuật đặc thù của kinh đô áo dài; thường xuyên phục vụ du khách và công chúng.

Đây sẽ là một chương trình biểu diễn nghệ thuật áo dài độc đáo và mới lạ, kết hợp thời trang, biểu diễn nghệ thuật. Lễ hội có sự góp mặt của các nhà thiết kế áo dài tên tuổi, mang tới nhiều bộ sưu tập áo dài đặc biệt gắn với câu chuyện kể từ dòng sông Hương cùng huyền thoại, lịch sử, văn hóa, âm nhạc, thi ca và hội họa.

Lễ hội gồm 3 chương, “Bản trưởng ca của đại ngàn;” “Sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” và “Còn non, còn nước, còn dài.”

Sân khấu của Lễ hội Áo dài Huế 2023 lấy bối cảnh dòng sông Hương, nhưng không lặp lại các vị trí đã từng biểu diễn. Toàn cảnh không gian diễn sẽ kết hợp dưới nước, trên bờ, cồn cát, cỏ hoa trên sông và trên không trung... Toàn bộ các tiết mục được dàn dựng, biên đạo thể hiện nét đặc trưng văn hóa Huế. Công chúng sẽ được thưởng thức các bộ sự tập áo dài đặc sắc cùng âm nhạc, những ca khúc nổi tiếng về dòng sông, hò Huế.

Mùa Thu năm 2023, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Festival với chủ đề “Thu Hà Nội-Đến để yêu” nhằm quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa, du lịch, khai thác sự độc đáo, hấp dẫn, tôn vinh các danh thắng, di tích, di sản của Thủ đô - điểm đến du lịch hấp dẫn, chất lượng và an toàn.

Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn trước Ngọ Môn Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Sẽ có 150 gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch tiêu biểu; không gian “Sắc hoa mùa Thu;” “Vườn ánh sáng" bằng sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ; “Quà tặng mùa Thu.” Bên cạnh đó là hoạt động diễu hành, trình diễn lân sư rồng, rước đèn Trung Thu, trình diễn múa rối cạn, giới thiệu nghệ thuật chế biến và thưởng thức trà sen Hồ Tây...

Tại Hải Dương, Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc sẽ diễn ra tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc, kết hợp với Tuần Văn hóa du lịch, giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Hải Dương.

Mùa vàng năm 2023, huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập 2/9 với chủ đề “Rạng rỡ quê hương;” Hội thi Nghệ thuật truyền thống và trình diễn trang phục các dân tộc... Trong Ngày hội văn hóa ẩm thực, các đầu bếp nổi tiếng sẽ trình diễn chế biến đặc sản từ nguyên liệu của địa phương. Nhân dịp này, lễ công bố quyết định và đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật khèn của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn... sẽ được tổ chức.

Tại Quảng Nam, Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2023 sẽ diễn ra với chủ đề “Xứ Quảng với tinh hoa ẩm thực bốn phương” nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả giá trị văn hóa, ẩm thực, du lịch thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực, du lịch đa dạng, tinh túy, đặc sắc và chất lượng.

Ban Tổ chức mời 26 nghệ nhân, đầu bếp, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng các món ăn truyền thống đặc sắc của tỉnh với chủ đề “Hành trình ẩm thực đất Quảng;” tái dựng câu chuyện giá trị lịch sử món ăn ở vùng đất này. Đồng thời, Ban Tổ chức công bố Quyết định đưa nghề chế biến mỳ Quảng tại tỉnh Quảng Nam vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục