Tích cực đổi mới công nghệ, Việt Nam sẽ lọt vào top 3 ASEAN

Việt Nam vẫn còn lộ trình chuyển tiếp rất dài để hòa nhập với cộng đồng ASEAN và nếu đạt được tốc độ đổi mới công nghệ 20%/năm, Việt Nam hy vọng sẽ vào top 3 trong khối ASEAN năm 2020.
Tích cực đổi mới công nghệ, Việt Nam sẽ lọt vào top 3 ASEAN ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa hoc và Công nghệ Nguyễn Quân. (Nguồn: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam vẫn còn lộ trình chuyển tiếp rất dài để hòa nhập với cộng đồng ASEAN bởi hiện tại Việt Nam chỉ là nước trung bình về phát triển kinh tế-xã hội trong khối và dẫn đầu khối KCLM (gồm Lào, Campuchia, Myanma, Việt Nam) đồng thời đang phấn đấu trở thành top dẫn đầu khối ASEAN (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Nếu đạt được tốc độ đổi mới công nghệ 20%/năm, Việt Nam hy vọng sẽ nằm trong top 3 trong khối ASEAN vào năm 2020.

Trong giai đoạn hiện nay, khi tốc độ phát triển khoa học và công nghệ diễn ra ngày càng nhanh và hội nhập kinh tế quốc tế trở thành một xu thế tất yếu, việc đổi mới công nghệ trở thành nhân tố có tính quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.

Đánh giá về tốc độ đổi mới công nghệ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa hoc và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh tính trung bình, cả nước có chưa đến 5% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại và công nghệ mới hiện nay, tốc độ đổi mới công nghệ của Việt Nam còn chậm chạp, có thể nói đa phần doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ của thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20. Vì vậy, Việt Nam phải tăng cường đổi mới công nghệ để đạt được trình độ ngang bằng các nước trong khu vực và thế giới, để cạnh tranh khi mở cửa hội nhập.

Tại Nghị quyết số 20 ngày 31/10/2012, Hội nghị Trung ương 6 khóa 11 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cũng như trong Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 đã đề cập đến mục tiêu nâng cao tốc độ đổi mới công nghệ. Sự đổi mới liên tục về công nghệ trong các ngành kinh tế trở thành yếu tố then chốt để phát triển, thúc đẩy sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng Bộ dự kiến tốc độ đổi mới công nghệ của Việt Nam phải đạt mức trên dưới 20%/năm. Sau năm năm, toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng cấp trình độ công nghệ lên mức độ mới, cao hơn.

Bên cạnh đó, cùng với hệ thống quỹ như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia… Việt Nam có thể đạt được tốc độ đổi mới công nghệ ở mức trên dưới 20%/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục