Tỉnh Hà Nam tích cực bơm tiêu úng nước, cứu hoa màu và tỉnh Yên Bái triển khai các giải pháp ứng phó với tình trạng lũ trên các sông suối đang lên nhanh.
Tích cực bơm tiêu úng nước, cứu hoa màu
Sáng 8/9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại các huyện: Thanh Liêm, Bình Lục; kiểm tra công tác vận hành bơm tiêu úng tại Trạm bơm Võ Giang (huyện Thanh Liêm), trạm bơm Triệu Xá (thành phố Phủ Lý).
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục những thiệt hại do bão gây ra. Các địa phương có diện tích lúa, rau màu thiệt hại nặng khẩn trương tiêu rút nước đệm trong đồng; đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ dựng lúa gãy đổ, đề phòng mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản xuất lúa mùa, rau màu hè thu.
Các địa phương, đơn vị không được chủ quan với tình hình mưa lũ sau bão số 3. Các trạm bơm tiếp tục bơm tiêu úng, bơm tối đa nước đệm; đặc biệt là các khu vực có diện tích lúa bị ngập cần bơm tích cực, để đảm bảo an toàn cho diện tích lúa; bố trí các máy bơm hợp lý và có phương án đề phòng đối với trường hợp khi trời tiếp tục mưa, nước từ đầu nguồn xả về để chủ động xử lý tình huống, không để xảy ra tình trạng ngập úng, bảo vệ mùa màng cho nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại tỉnh Hà Nam có gió mạnh cấp 7, 8, giật cấp 9. Tính từ thời điểm bắt đầu cơn bão (7 giờ ngày 6/9 đến 7 giờ ngày 8/9), tổng lượng mưa trung bình trên địa bàn là 155mm.
Mưa to, gió lớn đã khiến 14 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 10.800ha lúa bị đổ, hơn 430ha hoa màu, rau màu bị dập nát, nhiều cột điện, đèn trang trí, chiếu sáng, biển quảng cáo bị hư hỏng, nhiều cây xanh bị gãy, đổ.
Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức di dời 496 hộ bị ảnh hưởng đến khu vực an toàn. Các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 122 máy bơm tiêu thoát nước.
Ứng phó với tình trạng lũ trên các sông suối đang lên nhanh
Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng bão số 3, đến sáng 8/9, mưa lớn đã làm 174 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại tại các huyện: Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu và thành phố Yên Bái; trong đó 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 38 nhà phải di dời; thiệt hại nhiều diện tích nông nghiệp; sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến giao thông.
Các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 6/9 đến sáng sớm 8/9 có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 19 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 8/9 phổ biến từ 50-150mm, một số nơi cao hơn 200mm, như Nậm Mười 237,4mm; Suối Giàng 223,4mm; Xà Hồ 223,2mm; Sơn Thịnh 217,8mm; Nậm Khắt 213,4mm; thị trấn Mù Cang Chải 206,2mm.
Các sông suối trong tỉnh xuất hiện lũ và đang dâng nhanh. Lũ trên sông Ngòi Thia đang lên nhanh, mực nước lúc 6 giờ ngày 8/9 là 45,24m (dưới báo động 2 là 0,26m), hiện đang tiếp tục lên.
Tại huyện Trạm Tấu, mưa lớn đã làm 9 nhà bị sạt taluy ở các xã Túc Đán, Pá Hu, Tà Xi Láng. Trung Tâm Y tế huyện bị sạt taluy dương khối lượng đất đá ước tính 2.000m3, gây thiệt hại 1 lò đốt rác, 1 phần nhà kho của trung tâm.
Tại xã Tà Xi Láng xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại thôn Tà Cao, Chống Chùa, Tà Đằng và sạt lở nhiều điểm tại đường đi đến Ủy ban Nhân dân xã.
Tại xã Bản Mù bị ngập lụt do nước lũ lớn, ảnh hưởng hàng chục hộ dân. Tại xã Làng Nhì sạt lở đất đá trên một số tuyến đường và cầu tạm bị cuốn trôi. Nhiều xã khác cũng ghi nhận tình trạng sạt lở.
Ông Giàng Trang, Chủ tịch xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu chia sẻ qua kiểm tra sơ bộ, đến 10 giờ sáng 8/9 trên địa bàn xã có khoảng gần 20 hộ bị thiệt hại nhà do mưa lũ, trong đó, thôn Mảnh Tào nhiều nhà bị ngập tới nóc. Hiện, trời đang mưa rất to, xã tiếp tục đôn đốc các thôn báo cáo tình hình, có thể nhiều hộ bị thiệt hại hơn nữa.
Đặc biệt, Tỉnh lộ 174 (từ thị xã Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu) bị sạt lở đất đá nhiều điểm, khiến việc lưu thông qua lại khó khăn, một số điểm ách tắc cục bộ. Các ngành chức năng đang triển khai công tác khắc phục để đảm bảo lưu thông trên tuyến.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trạm Tấu cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại.
Trên địa bàn huyện có nhiều công trình thủy điện, hồ chứa nên Ủy ban Nhân dân huyện Trạm Tấu yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn, đặc biệt là các nhà máy thủy điện như Hát Lừu, Nậm Đông 3-4m, Trạm Tấu, Noong Phai, Pá Hu, Chí Lư, Nậm Tăng 3, Phình Hồ, Công ty cổ phần Yên Phú, Công ty cổ phần Yên Phú-Đông Đô thường xuyên nắm bắt diễn biến thời tiết, các bản tin cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các văn bản của tỉnh, huyện để kịp thời thông báo người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ.
Tại huyện Văn Yên, trước diễn biến phức tạp của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đang diễn ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Yên yêu cầu các địa phương có phương án, chủ động di dời dân sống trong vùng nguy hiểm nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân.
Ngay trong đêm 7/9, rạng sáng 8/9, các địa phương của huyện đã di dời, sơ tán 1.229 người dân sống trong khu vực có nguy cơ cao quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Trong số đó, có 111 người sống trong khu vực ngập lụt trên báo động 3, 209 người sống trong khu vực nguy cơ cao lũ quét, 994 người sống trong khu vực nguy cơ cao sạt lở đất.Các lực lượng tại chỗ đã hỗ trợ người dân di chuyển đồ dùng dùng sinh hoạt, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân, huy động sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, trước mắt là anh em trong gia đình, dòng tộc đảm bảo đời sống, sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân.
Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Yên thông tin, qua rà soát đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 1.437 người dân sống trong vùng nguy cơ thiên tai, trong đó có 1.076 người sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất, 188 hộ sống trong vùng nguy cơ ngập lụt trên báo động 3; 243 hộ sống trong vùng nguy cơ lũ quét.
Huyện đã thực hiện phương châm vận động di dời và kiên quyết cưỡng chế di dời ngay các hộ gia đình có nguy cơ cao về sạt lở đất đến nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng của người dân.
Để ứng phó với hoàn lưu sau bão gây mưa lớn khiến ngập lụt, sạt lở đất đá, lũ quét có thể xảy ra, huyện Văn Yên chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, tổ chức di dời các hộ nằm trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn, đặc biệt là các hộ ở nơi nguy cơ sạt lở cao, các hộ dân ở các khu vực chân đồi có taluy cao, ven suối.
Đến nay, ước thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 2,5 tỷ đồng.
Mưa lớn đã làm 181,8ha diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó có 143,04ha lúa; 26,76ha ngô, rau màu; 12ha cây lâm nghiệp; 105 con gia cầm bị chết; nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường Tỉnh lộ 174 (Văn Chấn-Trạm Tấu).
Ngoài ra, công trình công cộng gồm tường rào và pano tại cổng Ủy ban nhân dân xã Việt Cường, huyện Trấn Yên bị đổ sập. Toàn tỉnh có 8 cột điện hạ thế bị đổ, gẫy; 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone tại xã Đông Cuông, Văn Yên mất sóng do sét đánh nguồn cấp điện trạm phát.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong tỉnh kiểm tra và huy động các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại, tổ chức thu dọn cây xanh bị đổ gẫy trên các tuyến đường./.
Hà Nội: Người dân đổ ra đường cùng chung tay khắc phục hậu quả bão số 3
Nhiều người dân đã chủ động ra đường dọn dẹp phố phường sau khi bão số 3 quét qua Hà Nội. Cơn bão để lại hậu quả nặng nề cả về người và tài sản.