Không giống với sự thẳng thắn trong những bài phê bình nghệ thuật (khiến người trong cuộc vừa nể phục vừa kiêng dè), vẻ sắc sảo (đôi khi đến chát chúa, cực đoan) cùng điệu bộ nhún vai đầy cá tính khi xuất hiện trong vai trò khách mời của các chương trình truyền hình, hay thái độ nhiệt thành, sẵn sàng “cháy hết mình” trong những cuộc vui bạn bè, chân dung của nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thái hiện lên trong “Tị nạn chiều” hoàn toàn khác.
Đó là một người đàn bà đa cảm với khát vọng yêu bùng cháy, những nỗi niềm khắc khoải khó gọi thành tên và những phút yếu mềm, đơn côi trên đường đời.
Tên bài thơ thứ ba được dùng làm nhan đề chung cho cả tập thơ riêng đầu tiên của tác giả Nguyễn Thị Minh Thái.
Theo lời kể của tác giả, bài thơ “Tị nạn chiều” được viết vào năm 1993, sau sự tan vỡ của một cuộc tình: “Đó là một buổi chiều đẹp nhưng buồn. Tôi bị lạc đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không ai giúp đỡ, tôi thấy mình lạc lõng giữa dòng đời. Bị lạc thì phải xin tị nạn vào đâu đây? Với nỗi vấn vương ấy, sau khi trở về nhà, tôi viết bài thơ này”.
“Chỉ còn chiều với một tôi/ Chỉ còn tôi với cả một chiều..” (trích “Tị nạn chiều”).
Tác giả Nguyễn Thị Minh Thái bảo, đến tận bây giờ, cảm giác bơ vơ ấy vẫn ám ảnh mình; để mỗi khi bị “hất văng” ra khỏi một tình yêu, bà lại “tị nạn” vào thơ ca và thiên nhiên, như chính cách bà nói: “Thơ là thần hộ mệnh của đời tôi.”
Phần lớn sáng tác trong “Tị nạn chiều” là những bài thơ tình buồn, nặng trĩu tâm sự với những hàng nước mắt quặn đau, lặn sâu vào bên trong. Nói như nhà thơ Phan Thị Ngọc Liên, đó là thế giới cô độc vẹn nguyên của chủ thể “em” trong sự đối diện với khách thể “anh” - người đã mang đến hạnh phúc tròn đầy cho “em” và cũng là người đã để lại nỗi cô đơn, bất hạnh cho “em.”
“Trong sự quạnh vắng, Minh Thái cất nỗi đau vào câu chữ, để tự nghiền ngẫm và khóc… một mình. Câu chữ, vì thế, đã đạt đến sự sánh đặc của nỗi đau, nỗi cô đơn và khao khát bùng nổ một lần cho tất cả,” nhà thơ Phan Thị Ngọc Liên chia sẻ cảm nhận về “Tị nạn chiều.”
“Em muốn cháy hết một lần/ trong khoảnh khắc/ Giống như con ngựa chiến cuồng chân/ lâu ngày bị buộc/ muốn bứt tung dây/ lao phóng như điên/ mặc kệ đứt máu và tắt thở…” (trích “Âm u”).
Dự cảm về những bất trắc, sự đan xen của những trạng thái cảm xúc đối ngược (hạnh phúc-khổ đau, mạnh mẽ-yếu mềm, ấm nồng-hoang lạnh…) cùng những trải nghiệm thăm thẳm về đời sống là những điều ám ảnh tâm trí người đọc khi đi dọc hành trình của “Tị nạn chiều.”
Tập thơ mở đầu bằng những câu thơ chứa chất đầy dự cảm bất an (được tác giả viết khi mới 22 tuổi): “Em như cái cốc/ đứng nghiêng ở mép bàn.” Nó báo hiệu cho những đam mê cuồng nhiệt, những đau khổ, cô đơn cùng cực và cả những vấp ngã, lầm lạc… của bà trên đường đời sau này.
Thế nhưng, giữa những khúc quanh ấy, người đọc vẫn luôn thấy chân dung một Nguyễn Thị Minh Thái với khát vọng sống và yêu hết mình, đi tới tận cùng của cảm xúc: “Thành phố bỗng/ đầy ắp lên/ bởi một người.”
“Càng gần cuối tập, những bài thơ càng ngắn dần đi. Sự ngắn dần của những bài thơ không phải ý đồ của tác giả. Nó như mật trong quả mỗi ngày một ngọt hơn. Nó như trầm trong cây mỗi ngày một thơm hơn,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
“Tị nạn chiều” ra mắt trong một hoàn cảnh đặc biệt - khi tác giả đang ngày ngày phải chống chọi lại với căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, người đọc vẫn luôn thấy tác giả xuất hiện với vẻ rạng rỡ, tươi tắn như biệt danh “Minh Tươi” mà nhà văn Hồ Anh Thái đặt cho bà.
Bà bảo: “Thơ là thứ để mình trú ngụ!” Chắc hẳn, những phụ nữ từng sống và yêu hết mình cũng như đã từng đi đến tận cùng nỗi đau khi tình yêu tan vỡ cũng sẽ ít nhiều thấy bóng dáng của bản thân trong những vần thơ của Nguyễn Thị Minh Thái ở “Tị nạn chiều.”
Tập thơ “Tị nạn chiều” gồm 70 bài thơ, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phát hành tháng 10/2016.
Tác giả Nguyễn Thị Minh Thái cho hay, đợt này, “Tị nạn chiều” được in 1.500 cuốn. Bà giữ lại 500 cuốn để dành tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Số tiền thu được từ việc bán 1.000 cuốn còn lại sẽ được dành tặng một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con gái một liệt sỹ Gạc Ma, đang theo học tại Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh./.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái (sinh năm 1951) nguyên là giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).Hiện nay, bà đang sống tại Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam.