"Thuyết Hạnh phúc" của Albert Einstein đạt mức giá kỷ lục

Hai tờ ghi chú về bí quyết cho một cuộc sống hạnh phúc của nhà Vật lý thiên tài Albert Einstein đã được mua lại với giá 1,56 triệu USD trong một phiên đấu giá do nhà đấu giá Winner's tổ chức.
"Thuyết Hạnh phúc" của Albert Einstein đạt mức giá kỷ lục ảnh 1Hai tờ ghi chú về bí quyết cho một cuộc sống hạnh phúc của nhà Vật lý thiên tài Albert Einstein. (Nguồn: AFP)

Hai tờ ghi chú về bí quyết cho một cuộc sống hạnh phúc của nhà Vật lý thiên tài Albert Einstein đã được mua lại với giá 1,56 triệu USD trong một phiên đấu giá do nhà đấu giá Winner's tổ chức, vượt xa so với mức dự tính là khoảng 5.000-8.000 USD, đồng thời là mức giá kỷ lục cho một văn bản được đấu giá tại Israel.

Theo Winner's, dù không có giá trị khoa học, nhưng hai tờ ghi chú đã phản ánh sâu sắc triết lý sống của nhà khoa học vĩ đại người Đức. Cuộc đấu giá diễn ra chóng vánh trong 20 phút. Chủ nhân mới của hai tờ ghi chú này có quốc tịch châu Âu, tuy nhiên yêu cầu được giữ kín danh tính.


[Năm bức thư của Einstein được định giá từ 31.000 - 46.000 USD]

Câu chuyện về "Thuyết Hạnh phúc" bắt đầu năm 1922, khi Albert Einstein - lúc đó đã nổi tiếng toàn thế giới - đến Nhật Bản để thuyết giảng. Einstein nghỉ tại khách sạn Imperial ở Tokyo và một người đưa thư đã gõ cửa phòng để chuyển cho ông một bức thư. Do không có tiền lẻ để cho người đưa thư, Einstein đã viết tặng ông (bằng tiếng Đức) hai bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc, kèm theo lời nhắn: "Nếu anh may mắn, hai tờ ghi chú này sẽ có giá trị hơn là một khoản tiền tip thông thường." 

Trên tờ giấy thứ nhất, Einstein viết: "Một cuộc sống tĩnh lặng và khiêm nhường sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn việc theo đuổi sự thành công và rồi bất an liên miên." Trên tờ giấy thứ hai, ông viết: "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường."

Đặc biệt hơn, Einstein đã viết những dòng này ngay sau khi biết được rằng ông sẽ nhận giải Nobel cho Thuyết Tương đối. Giới nghiên cứu trước đây không biết đến sự tồn tại của hai ghi chú này. Roni Grosz, chuyên gia lưu trữ phụ trách bộ sưu tập lớn nhất thế giới về Einstein tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, cho biết chưa thể kết luận liệu hai ghi chú này có phải là sự chiêm nghiệm của Einstein về cuộc sống nổi tiếng của bản thân hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục