Thuyền từ nhựa tái chế truyền cảm hứng cho chiến dịch Làm sạch biển

Chiếc thuyền buồm đầu tiên trên thế giới Flipflopi làm từ nhựa tái chế đã hoàn thành hành trình lịch sử 500km từ đảo Lamu, Kenya, đến đảo Zanzibar, Tanzania, góp phần nâng nhận thức về ô nhiễm nhựa.
Thuyền buồm Flipflopi được làm hoàn toàn từ nhựa tái chế. (Nguồn: UN)

Chiếc thuyền buồm truyền thống đầu tiên trên thế giới Flipflopi được làm hoàn toàn từ nhựa tái chế đã hoàn thành hành trình lịch sử 500km từ đảo Lamu, Kenya, đến đảo Zanzibar, Tanzania.

Con thuyền đã truyền cảm hứng và góp phần nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa ở đại dương - một trong những thách thức môi trường lớn nhất thế giới hiện nay.

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo ngày 12/2 của Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết Flipflopi là dự án chung của UNEP và nhà điều hành du lịch Kenya Ben Morison, được triển khai từ năm 2016.

Thợ thủ công bậc thầy Ali Skanda ở đảo Lamu cùng một nhóm tình nguyện viên đã thiết kế, hoàn thiện Flipflopi với chiều dài 9m theo phong cách Arab và sử dụng 10.000 tấn nhựa tái chế.

Tên của chiếc thuyền được lấy cảm hứng từ 30.000 đôi dép xỏ ngón được tái sử dụng để trang trí, tạo cho thân tàu những gam màu rực rỡ.

Chiến dịch "Làm sạch biển" của UNEP đã sử dụng chiếc thuyền đặc biệt Flipflopi cho hành trình dọc bờ biển Đông Phi, bắt đầu từ ngày 23/1 đến ngày 7/2, nhằm truyền cảm hứng cho người dân châu Phi nói riêng và trên thế giới nói chung nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của ô nhiễm nhựa.

[Thuyền buồm Flipflopi mang thông điệp về khủng hoảng rác thải nhựa]

Trong chuyến hành trình, Flipflopi đã dừng tại một số điểm, bao gồm các thị trấn ven biển Kipini, Malind và Mombasa của Kenya, tuyên truyền cho người dân địa phương biện pháp ngăn chặn sự phát tán chất thải nhựa độc hại.

UNEP cũng phối hợp tổ chức các hội thảo nhằm giúp các cộng đồng hiểu rõ hơn về hậu quả của rác thải nhựa trong các đại dương, hướng dẫn trẻ em cách tạo ra những đồ vật mới hữu ích từ những chai nhựa đã sử dụng.

Tất cả các cảng mà thuyền Flipflopi ghé thăm đều công bố các cam kết lịch sử để chống ô nhiễm biển, trong đó cam kết đóng cửa bãi rác Kibarani, Mombasa, Kenya, vốn là nguồn thải nước độc hại ra đại dương.

Bãi rác Kibarani hiện đang được khôi phục và trồng cây, trong khi chất thải sẽ được xử lý tại một địa điểm mới theo cách có trách nhiệm với môi trường hơn.

Một kết quả tích cực khác của chiến dịch là 29 doanh nghiệp, bao gồm 22 khách sạn, đã quyết định giảm rác thải nhựa với việc cấm sử dụng chai nhựa và ống hút nhựa.

Với dự án Flipflopi, Chính phủ Kenya thể hiện rõ hơn quyết tâm trở thành nước tiên phong trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa.

Tháng 8/2017, Kenya đã ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt nhất thế giới về túi nhựa - những đối tượng sản xuất, bán hoặc sử dụng túi nhựa có nguy cơ nhận án tù tới 4 năm hoặc bị phạt 40.000 USD.

Dự kiến, Flipflopi sẽ tiếp tục hành trình đến thủ đô Nairobi của Kenya từ ngày 11-15/3/2019 - đúng dịp các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng môi trường, nhà hoạt động môi trường, các nhà đổi mới sáng tạo, tổ chức phi chính phủ và CEO của các công ty đa quốc gia tham dự Hội nghị Môi trường Liên hợp quốc lần thứ tư - diễn đàn cấp cao nhất thế giới về môi trường.

Năm 2017, UNEP đã phát động chiến dịch "Làm sạch biển" để kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và người dân thế giới vào năm 2022 chấm dứt sử dụng các sản phẩm là nguồn chính gây ra rác thải biển - hạt nhựa nhỏ trong mỹ phẩm cũng như lạm dụng, lãng phí sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Mỗi năm, các đại dương trên toàn thế giới phải hứng chịu hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các môi trường sống của các loài thủy sinh, hoạt động ngư nghiệp, du lịch biển và gây thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD cho hệ sinh thái biển.

Chất thải nhựa chiếm khoảng 80% phần trăm lượng rác đổ xuống đại dương hằng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục