Đợt thủy triều đỏ lớn nhất kéo dài suốt gần một thập kỷ qua tại bang Florida của Mỹ đang trở thành "nỗi ám ảnh" của mùa du lịch biển tại đây khi hiện tượng này kéo theo tình trạng cá chết hàng đàn tại Vịnh Mexico, đồng thời gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe người dân nếu nó theo sóng vào bờ.
Hãng tin Reuters ngày 7/8 dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Phòng thí nghiệm Mote Marine tại Sarasota, bang Florida, cho biết đợt thủy triều đỏ lớn nhất kể từ năm 2006 này kéo dài từ Vùng cán xoong của Alaska đến khu vực Vịnh Tampa với chiều dài lên đến 130km và chiều rộng là80 km.
Họ dự đoán trong khoảng hai tuần tới, đợt thủy triều này có thể dạt vào bờ gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành du lịch biển và đánh bắt cá của bang Florida.
Trước đó, nhóm nghiên cứu này đã hợp tác với giới chức địa phương triển khai hai rô bốt dưới biển nhằm thu thập thông tin và dữ liệu về tốc độ di chuyển của thủy triều đỏ, thường có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc có thể bị phân tán nhanh chóng nếu gặp bão.
Để xác định thủy triều đỏ và dự đoán tốc độ di chuyển của nó, nhóm nghiên cứu đã bố trí một chuyến đi thăm dò ba ngày bằng thuyền nhằm kiểm tra các mẫu nước biển trong diện tích 5.180km2.
Kết quả cho thấy hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngay dưới đáy biển và có thể dễ dàng bị cuốn theo dòng nước dạt vào bờ, gây ô nhiễm và mất mỹ quan cho các bãi biển phía Bắc và phía Nam Tampa.
Thủy triều đỏ là hiện tượng tự nhiên, còn được gọi là "tảo nở hoa", tồn tại từ nhiều thế kỷ qua, xảy ra từ tháng Ba đến tháng Chín hàng năm ở nhiều vùng biển trên thế giới.
Khi gặp điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, môi trường, hướng gió..., một số loại tảo độc có sẵn trong nước biển sẽ phát triển rất nhanh, tiết ra một số độc tố, đồng thời làm giảm lượng oxy trong nước, làm chết cá và một số sinh vật biển khác. Các loại hóa chất không mùi tồn tại trong tảo cũng được xác định sẽ gây ra một số chứng bệnh hô hấp ở người.
Trước đó, hồi năm ngoái, một đợt thủy triều đỏ quy mô nhỏ hơn cũng đã tấn công bờ biển phía Tây Nam Florida, khiến 60 con lợn biển tại đây chết hàng loạt. Đây được xem là thảm kịch lớn thứ hai về số lượng loài động vật quý hiếm này chết.
Còn tại Chile, hồi năm 2009, một đợt thủy triều đỏ đã tàn phá các bờ biển phía nam, khiến hai người thiệt mạng trong vòng 15 ngày.
Chính quyền địa phương sau đó đã ban hành lệnh cấm bán các hải sản đánh bắt được trong khu vực có thủy triều đỏ một thời gian do lo ngại tôm, cua, các bị nhiễm độc từ tảo biển./.