Thủy Trầm - làng nghề nuôi cá chép đỏ nổi tiếng ở Phú Thọ

Người dân làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã phát triển nghề nuôi cá chép đỏ và xây dựng thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng khắp cả nước.
Thủy Trầm - làng nghề nuôi cá chép đỏ nổi tiếng ở Phú Thọ ảnh 1Cá chép đỏ được đóng vào bao chuẩn bị cung cấp ra thị trường. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày Tết ông Công, ông Táo. Vào ngày này, người dân thường mua cá chép đỏ để tiễn ông Táo về trời.

Nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, người dân làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã phát triển nghề nuôi cá chép đỏ và xây dựng thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng khắp cả nước.

Thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ 20 và phát triển cho đến ngày nay.

Năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề.

Cuối năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Tuy Lộc quyết định thành lập “Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm” nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và cá chép đỏ nói riêng.

Tháng 12/2018, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ công bố, bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “cá chép đỏ Thủy Trầm” cho Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm. Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, đưa cá chép đỏ tiếp tục vươn xa.

Ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm, cho hay lúc đầu, người dân chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó bán thử vào ngày 23 tháng Chạp. Cá có sắc đỏ óng ánh như “màu phát tài phát lộc” mang lại may mắn trong dịp Tết và từ đó người người mua về cúng ông Công, ông Táo.

[Thị trường đồ cúng ngày lễ ông Công, ông Táo khởi động sớm]

Những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, xây dựng bờ ao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.

Năm nay, làng nghề dự kiến cung cấp khoảng 35 tấn cá ra thị trường, trung bình giá bán 1kg cá chép đỏ tại bờ từ 110.000-150.000/kg (khoảng từ 40-50 con/kg), bình quân thu nhập 25 triệu đồng/sào sau khi trừ chi phí.

Thông thường cá giống sẽ được nuôi từ tháng Sáu, chăm sóc đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng.

Theo những cụ cao niên trong làng, người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Vì vậy, mỗi độ giáp ngày 23 tháng Chạp, chợ phiên Thủy Trầm, xã Tuy Lộc lại đỏ rực màu cá.

Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng hay trong túi nylon, người mua có thể ngắm nghía và nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mang về.

Phát triển bền vững nghề nuôi cá chép Thủy Trầm

Theo ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm, trước đây, nguồn cá giống chỉ trông chờ ngoài tự nhiên, cứ đến mùa mưa, dân làng lại ra dọc bờ sông Hồng vớt bột cá. Ở tự nhiên, chỉ sau những cơn mưa rào cá mới vào bờ vật đẻ.

Nắm được đặc tính này, người dân Thủy Trầm đã xây bể, lắp máy bơm, “thay trời làm mưa,” tiêm thuốc kích thích thúc cá đẻ. Sau khi cá đẻ và cho trứng bám vào rễ bèo, người ta phải vớt trứng lên ngay, tránh việc cá bố mẹ ăn mất.

Sau khi ương trứng nở, ở giai đoạn cá bột, người dân phải nấu cháo loãng cho cá ăn. Khi cá lớn bằng cái tăm, lúc này gọi là cá hương, thì thức ăn và cách chăm sóc lại khác đi một chút và khi cá lớn vài phân sẽ trở thành cá giống.

Theo một hộ dân nuôi nhiều chép đỏ ở làng Thủy Trầm, cá chép đỏ muốn được vừa ý, lúc xuất phải đạt tiêu chuẩn khoảng 40 con/kg.

Muốn có cá tốt, khâu đầu tiên là phải chọn được cá bố mẹ. Cá mẹ đầu phải mình thon, cân đối, vây đuôi vàng, không rách, vẩy phải đều, đặc biệt khi lộ dưới ánh nắng phải óng ánh. Khi lật ngửa cá lên phía dưới bụng phải hơi có rãnh lõm ở giữa, hai bên hơi lồi, khi lấy tay vuốn nhẹ xuống dưới thì trứng cá phải phòi ra. Còn cá bố thì phải khỏe, chắc...

Trước khi đánh bắt cá từ ao lên, các chủ cá đã chuẩn bị sẵn những túi lưới cho vào “ép”. Kể cả cá giống và cá cúng nếu như không có công đoạn “ép” này thì sẽ bị “bạch vĩ,” đứt ruột chết ngay trên đường vận chuyển. “Ép” làm cho cá thải ra ngoài hết lượng phân và thức ăn còn trong cơ thể, đồng thời làm cho cá quen với môi trường chật chội, ôxy thấp khi vận chuyển. Cá khi bắt khỏi ao đưa về bể sẽ được phân loại.

Ông Bùi Văn Chữ cho hay nhờ sinh lợi về kinh tế nên hiện nay, nghề nuôi chép đỏ phát triển. Đến nay, mỗi hộ trong thôn đều có ít nhất từ 2-3 ao cá. Bà con chăm sóc và cho cá ăn thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn các loại cám kích thích khác.

Bà Trần Thị Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê, cũng cho biết để làng nghề ngày càng phát triển, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với cá chép đỏ Thủy Trầm.

Ủy ban Nhân dân xã Tuy Lộc định hướng cho người dân việc hợp tác sản xuất ổn định nhằm phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, địa phương tích cực tổ chức chuyển giao công nghệ sản xuất, nuôi trồng mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường cho các hộ dân nhằm giúp nâng cao năng suất. Đặc biệt, xã thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, quảng bá để thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm ngày càng vươn xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục