Cơ quan kiểm soát thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã cấp phép cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), ngân hàng đầu tiên được phép cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại và các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ ở Thụy Sỹ.
Đây là một bước tiến của Thụy Sỹ trong việc chính thức trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ đầy tiềm năng.
CCB có văn phòng chi nhánh tại Zurich (Thụy Sỹ), và hiện có 17 nhân viên. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 50 trong năm 2016.
Giám đốc CCB David Gong cho biết mục tiêu của CCB là cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống như tiền gửi, cho vay vốn và cung cấp tài chính cho các khách hàng doanh nghiệp.
Về lâu dài, CCB nỗ lực thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, tăng cường quan hệ thương mại và tài chính giữa Trung Quốc và Thụy Sỹ.
CCB có chi nhánh tại 24 quốc gia, tại các thành phố như London, Tokyo và New York, và năm nay bắt đầu hoạt động tại Paris, Amsterdam, Barcelona và Milan, cung cấp cho các công ty lớn của Trung Quốc và các công ty địa phương dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã tích cực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ kể từ năm 2010, tạo ra một mạng lưới toàn cầu của các ngân hàng nước ngoài nhằm thúc đẩy việc đưa đồng nhân dân tệ trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế.
Theo nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Swift, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm 2,79% giá trị thanh khoản toàn cầu trong tháng Tám, vượt đồng yen của Nhật để trở thành đồng tiền thanh toán sử dụng nhiều thứ tư trên thế giới sau đồng USD của Mỹ, đồng euro và đồng bảng Anh.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng thứ ba của Thụy Sỹ sau Liên minh châu Âu và Mỹ. Hồi năm ngoái, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) đã ký một thỏa thuận với đối tác Trung Quốc cho phép hoán đổi tiền tệ giữa hai nước./.