Sáng 25/5, Đoàn công tác của Dự án Phát triển Du lịch bền vững của Chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam (ST4SD) do ông Ken Wood, Điều phối trưởng dự án ST4SD Việt Nam dẫn đầu, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để xúc tiến các chương trình, dự án, giúp địa phương phát triển du lịch xanh, bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Văn Bá Sơn, Quảng Nam là vùng đất vùng đất nổi tiếng trong bản đồ du lịch Việt Nam với hai Di sản Văn hóa Thế giới (Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn) và Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An, Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận (Nghệ thuật Bài chòi).
[Hội An - từ thành phố di sản thế giới đến thành phố sáng tạo toàn cầu]
Năm 2022, nghề trồng rau Trà Quế của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Quảng Nam có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch nông nghiệp, du lịch làng quê, du lịch trải nghiệm, du lịch biển, du lịch ẩm thực hay du lịch gắn với đa dạng sinh học.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch của tỉnh ước đạt 3.486.000 lượt, tăng gấp 2.2 lần; trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.621.000 lượt, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chia sẻ du lịch xanh được hiểu là sự cam kết của các bên liên quan đến du lịch, gồm cả Nhà nước và doanh nghiệp, thực hiện việc giảm thiểu chi phí, tối ưu hóa lợi ích cho môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương, người lao động, doanh nghiệp du lịch và được thực hiện trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên.
Trên cơ sở Bộ Tiêu chí Du lịch xanh được ban hành vào cuối năm 2021, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững. Theo đó, tỉnh nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có; xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm tại Phố cổ Hội An, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An, Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn; mở rộng không gian Phố cổ và chợ đêm Hội An, Khu Du lịch Đảo Ký ức Hội An; triển khai ứng dụng phần mềm du lịch thông minh phục vụ du khách.
Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, để du lịch phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, lãi vay, thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ người lao động theo quy định của Chính phủ.
Tỉnh cần cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết việc làm, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch; tăng cường hợp tác giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong công tác đào tạo.
Ông Ken Wood, Điều phối trưởng dự án ST4SD Việt Nam, chia sẻ mục tiêu chính của dự án là góp phần đề ngành Du lịch Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững hơn. Dự án sẽ hỗ trợ Quảng Nam thúc đẩy các chính sách phát triển du lịch bền vững; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về du lịch bền vững, xây dựng mô hình du lịch xanh bền vững, thân thiện với môi trường, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành Du lịch.
Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ tỉnh đào tạo về kỹ thuật thực hành Du lịch xanh; tổ chức các chiến dịch truyền thông xây dựng văn hóa và môi trường phát triển du lịch bền vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa bản địa và phát triển du lịch hiệu quả./.