Thụy Sĩ vừa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế

Thụy Sĩ đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ 1,4% lên 1,8% trong năm 2013 và từ 2,1% lên 2,3% trong năm 2014.
Cơ quan phụ trách chính sách kinh tế của Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB - Ngân hàng Trung ương) vừa cùng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này, khi môi trường bên ngoài ổn định hơn cũng như các ngành kinh tế trong nước mạnh hơn.

Ngày 19/9, SECO đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sĩ năm 2013 lên 1,8%, so với ước tính tăng 1,4% được đưa ra hồi giữa tháng Sáu và năm 2014 lên 2,3%, từ mức 2,1%.

Sự cải thiện này chủ yếu nhờ môi trường toàn cầu, đặc biệt là sự phục hồi bắt đầu được nhen nhóm ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Suy thoái kinh tế ở Eurozone dường như đã chạm đáy và cuộc khủng hoảng nợ tiếp tục được kiểm soát trong mấy tháng gần đây. Cho dù mức độ phục hồi giữa các nước trong khu vực này khác nhau, nhưng đây là một động lực tích cực vì Eurozone là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ.

SECO dự kiến ​​tỷ lệ thất nghiệp trung bình của Thụy Sĩ sẽ là 3,2% trong năm nay và năm tới, giảm nhẹ so với mức 3,3%/năm được dự báo trước đây.

Theo SECO, Thụy Sĩ tiếp tục hưởng lợi từ một nền kinh tế trong nước mạnh mẽ nhờ mức độ ổn định của dòng người nhập cư, lãi suất thấp và gần như không có lạm phát.

Cùng ngày, SNB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Thụy Sĩ năm 2013 từ 1-1,5% lên 1,5-2%. Dự báo tăng trưởng GDP được nâng lên sau khi đạt mức tăng trưởng 0,5% trong quý II/2013, cao hơn dự kiến. Trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng giá trị tăng thêm của xuất khẩu lại giảm. Tuy nhiên, SNB cho rằng xuất khẩu trong nửa cuối năm của Thụy Sĩ có thể khá hơn nhờ nhu cầu bên ngoài ổn định hơn.

Trong khi nâng dự báo tăng trưởng kinh tế, SNB vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25%, để tránh những sức ép tăng giá đối với đồng franc nếu các điều kiện tiền tệ bị thắt chặt.

Ngân hàng này cũng nhắc lại cam kết ngăn chặn việc đồng franc tăng giá quá mạnh so với đồng euro, bằng việc mua vào ngoại tệ nếu cần để duy trì sàn lãi suất ở mức 1,2 franc/euro như trong 2 năm qua.

Dù vậy, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh đến những vấn đề dai dẳng trong kinh tế toàn cầu, như các vấn đề về cơ cấu ở châu Âu, triển vọng yếu kém hơn của các nền kinh tế mới nổi và các diễn biến chính trị tại Trung Đông có thể là yếu tố bất lợi đối với giá dầu.

SNB cũng dự báo giá tiêu dùng ở Thụy Sĩ năm 2013 có thể giảm 0,2%, thay vì giảm 0,3% như dự kiến trước đó và năm 2014 có thể tăng 0,3%, thay vì tăng 0,2%, trong khi dự báo lạm phát năm 2015 được giữ nguyên ở mức 0,7.

Cho đến nay, nền kinh tế Thụy Sĩ vẫn là một trong những điểm sáng ở khu vực châu Âu. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu - từng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thụy Sĩ - lại đang có dấu hiệu chậm lại. Việc đồng franc mạnh lên cũng đã làm ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu và ngành du lịch của Thụy Sĩ./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục