Một trong những thành công quan trọng trong chuyến thăm Thụy Sĩ ngày 13-15/9 vừa qua của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đó là mở ra khả năng hợp tác giữa Trung tâm tài chính Geneva với Việt Nam.
Tại Geneva, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với quan chức thành phố Geneva và lãnh đạo Hiệp hội Trung tâm tài chính Geneva (Geneva Financial Center - GFC) để thảo luận về sự liên kết giữa Geneva và Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thiết lập một trung tâm tài chính.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ, người từ lâu đã đề cập tới ý tưởng về xây dựng một Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
- Xin ông cho biết cơ sở của việc hình thành ý tưởng về việc thiết lập tại Việt Nam một Trung tâm tài chính quy mô quốc tế?
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim: Đã từ lâu, Việt Nam ấp ủ ý định có một trung tâm tài chính và những năm gần đây đã lên hẳn một kế hoạch xây dựng một trung tâm tài chính tại vùng đô thị mới Thủ Thiêm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hồi năm ngoái, nhân dịp tham dự Hội Nghị Việt kiều thế giới ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có được dịp đi thăm viếng khu đất dành cho dự án này cũng như nghe những giải thích liên quan.
Thú thật sau cuộc thăm viếng nay và sau khi nghiên cứu những thông tin trên báo chí, tôi rất băn khoăn, vì các dự án, kế hoạch từ phía thành phố cũng như từ phía các doanh nhân đều thuần địa ốc với một ý tưởng rất đơn giản là ta xây nhà rồi sau đó mời các ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán, đến ở là ta sẽ có một trung tâm tài chính y như cách ta xây dựng một trung tâm thương mại. Tuy nhiên những trung tâm tài chính trên thế giới không được thiết lập theo mô hình này.
Xây dựng một trung tâm tài chính từ con số không tất nhiên là rất khó và dựa trên lịch sử các trung tâm tài chính khác, cần một thời gian rất lâu, thường phải 30-40 năm mới đạt được vị trí mong muốn.
Vì vậy tôi thiết nghĩ nếu muốn có một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế thì ngay từ đầu phải có yếu tố nước ngoài và phải làm sao kết nối được với một trung tâm tài chính quốc tế để họ giúp mình xây dựng và đưa vào hoạt động.
Vì đã từng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Thụy Sĩ nên tôi biết rõ tình hình hiện tại của Trung tâm tài chính Geneva, một trong những trung tâm hàng đầu trên thế giới, và biết được họ đang kiếm cách mở rộng hoạt động về phía châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, có thể nói cơ hội đã đến với ta, cơ hội đã đến với thành phố mang tên Bác và ta phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ này.
- Xin ông cho biết Trung tâm tài chính quốc tế sẽ hoạt động cụ thể trên lĩnh vực nào?
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim: Một trung tâm tài chính hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực từ thị trường vốn, ngoại tệ đến, chứng khoán, nguyên vật liệu, quản lý tài sản… Tầm hoạt động của trung tâm tài chính cũng có thể là một thành phố, một quốc gia một vùng hay toàn thế giới.
Muốn mang lại lợi ích thực và theo đúng xu hướng hội nhập của nền kinh tế, ta phải xây dựng một trung tâm tài chính vượt khỏi ranh giới quốc gia. Nếu chỉ là quy tụ một nơi các ngân hàng và công ty tài chính thì lợi ích rất nhỏ, và cũng đã có rồi, đó là phố Láng Hạ, quận Ba Đình Hà Nội, được mệnh danh là “Wall-street Việt Nam.”
Còn về lĩnh vực hoạt động của trung tâm tài chính thì ta phải rất thực tế. Nền kinh tế Việt Nam đã đi một bước lớn trên con đường hội nhập, nhưng trong giao đoạn đang phát triển, nên giao dịch với nước ngoài trên thị trường tài chính vẫn phải nằm trong vòng kiểm soát của Nhà Nước do vậy rất thận trọng, trong bước đầu, không thể mở toang cửa thị trường tài chính và xây dựng một trung tâm tài chính hoạt động trên mọi lãnh vực.
Một trong những thế mạnh của một nước đang phát triển trong vùng và cũng là của Việt Nam là nguồn nguyên vật liệu và nông sản và đây cũng là một lĩnh vực rất quan trọng của một trung tâm tài chính. Do đó, ý tưởng ở đây là trong bước đầu Trung tâm tài chính của ta sẽ chuyên trách trên lĩnh vực này.
Cụ thể, trung tâm này sẽ làm những gì? Thứ nhất nói nôm na, trung tâm này sẽ là cái "chợ" trong đó người mua, kẻ bán gặp nhau giao dịch trên nguyên vật liệu, từ dầu thô, kim loại… và một số nông sản. Để mua bán được cần phải có sự hỗ trợ về tài chính của các ngân hàng, công ty tài chính.
Ngoài ra, mua bán cũng cần một loạt các dịch vụ hỗ trợ chuỗi cung ứng như thẩm định chất lượng hàng hóa, vận chuyển, dự trữ, bảo hiểm, văn phòng luật sư…
Do đó Trung tâm sẽ quy tụ tất cả các ngân, hàng, doanh nghiệp hoạt động trên những lĩnh vực trên và nhất là những công ty thương mại quốc tế (thương lái).
Cũng phải hiểu là Trung tâm này chỉ chuyên về xây dựng những thỏa thuận thương mại còn mặt hàng giao dịch sẽ không qua trung tâm. Chẳng hạn, quặng đồng của Philippines bán qua Hà Lan, sẽ được thỏa thuận và tài trợ tại Trung tâm sẽ được vận chuyển thẳng từ Philippines sang Hà-Lan.
Và ta cũng đừng lo trung tâm lấy tiền tiết kiệm của người dân Việt Nam để tài trợ thương mại thế giới, các ngân hàng quốc tế tại trung tâm sẽ thu xếp vốn từ hội sở của họ.
- Với một Trung tâm tài chính quốc tế như nói ở trên, Việt Nam sẽ hưởng những lợi ích gì, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim: Theo định hướng của Nhà Nước, ngành dịch vụ là ngành mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia. Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế là theo đúng định hướng trên và còn nâng cao ngành tài chính nước nhà lên tầm cỡ quốc tế.
Về phương diện kinh tế vĩ mô, Trung tâm sẽ có hiệu ứng không nhỏ trên ngành khai thác tài nguyên quốc gia, từ dầu thô, ga, than đá đến các quặng kim khí khác và cho nông nghiệp việt nam.
Trung tâm tài chính sẽ góp phần lớn vào nỗ lực tăng trưởng GDP. Tại các quốc gia có trung tâm tài chính quốc tế, những trung tâm này đóng góp hơn 10% trên tổng sản lượng quốc gia và con số tương đương cho ngân sách nhà nước
Riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh, là thành phố “chủ nhà” sẽ hưởng những tác động trực tiếp của Trung tâm, đặc biệt là tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, trực tiếp cũng như gián tiếp (hiện có 37.000 người làm việc trực tiếp cho trung tâm tài chính Geneva) và nâng cao hơn nữa mức GDP của thành phố.
Tác động gián tiếp cũng không nhỏ, Trung tâm sẽ nâng tầm Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố quốc tế, với những hiệu ứng về đâu tư cũng như về du lịch.
Ta nên nhận xét là, theo nhiều chuyên gia, trong những năm 90 của thế kỷ trước, chính sự phát triển của trung tâm tài chính City của thành Phố London đã giúp nước Anh thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và hiện tại với chính sách Brexit rút khỏi khối EU, mối lo đầu tiên của người Anh là mất đi Trung tâm tài chính.
- Theo ông đâu là những điều kiện căn bản để thiết lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh?
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim: Căn bản trung tâm tài chính quốc tế sẽ có giao dịch tài chính quốc tế, vì vậy xóa bỏ những rào cản cho hoạt động của trung tâm là điểm chính, trung tâm cần sự thông thoáng trong giao dịch vốn với nước ngoài, dựa trên một đồng tiền quốc tế, lưu hành ở mọi nơi, dễ chuyển đổi ra một đồng tiền khác và tương đối ổn định.
Đã là một trung tâm quốc tế, ta cũng phải phóng khoáng hơn trong việc một ngân hàng một doanh nghiệp nước ngoài thiết lập tại trung tâm.
Như đã nói ở trên, ta phải hé mở cửa thị trường tài chính riêng cho trung tâm. Để không ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế, những điều kiện đặc biệt chỉ được áp dụng tại trung tâm và trong hoạt động cho phép của trung tâm.
Như vậy thiết lâp một trung tâm tài chính với những đặc quyền, riêng biệt cũng đi theo đúng đường lối của nhà nước với những dự kiến thiết lập những đặc khu kinh tế. Chỉ cần làm sao bổ sung bộ luật đang dự thảo trình quốc hội bằng những điều kiện đặc biệt của trung tâm tài chính.
Nhưng cụ thể những điều kiện đó là gì? Cho điểm này, để có những điều kiện rất thiết thực ta phải rút kinh nghiệm từ những trung tâm đang hoạt đông. Vậy tại sao không nhờ ngay đối tác chiến lược của ta là Trung tâm tài chính Geneva giao cho chuyên gia của trung tâm, nghiên cứu vấn đề và đề xuất những gì cần phải cài đặt để tối ưu hoạt động của trung tâm tương lai.
- Tại sao nên kết hợp với Thụy Sĩ?
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim: Trước tiên xin trình bày vài nét về Trung tâm tài chính Geneva. Trung tâm này xuất phát từ sau Thế chiến II và hiện này là một trung những trung tâm hàng đầu thế giới. Trung tâm quốc tế hoạt động trên hai lĩnh vực chính, một là quản lý tài sản và hai là tài chính thương mại nguyên vật liêu.
Trong lĩnh vực thứ nhất, nếu cả nền tài chính Thụy Sỹ quản lý hơn nửa tài sản trên thế giới thì Trung tâm Geneva chiếm một phần lớn. Trong lĩnh vực thương mại nguyên vật liệu thì Geneva đứng hàng đầu thế giới về khối lượng giao dịch ngũ cốc, và dầu ăn, với 1/2 khối lượng cà phê, đường, 1/3 gạo, 1/3 dầu thô trên thế giới được trao đổi qua trung gian Geneva.
Và cũng trong lĩnh vực này, có 120 ngân hàng, 400 công ty thương mại nguyên vật liệu, một số không nhỏ công ty bảo hiểm, tàu thủy, thẩm định… đang hoạt động tại Geneva. Tất cả phục vụ cho thương mại nguyên vật liệu.
Như đã nói ở trên, xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế phải nhờ vào sự giúp đỡ của một trung tâm. Nhưng kiếm được trên thế giới một Trung tâm tài chính chịu hỗ trợ Việt Nam mà không lo sợ là Việt Nam sẽ là đối thủ cạnh tranh trên thị trường của họ thì cũng rất khó.
Riêng Trung tâm Geneva lại ở cái thế họ chưa có chỗ đứng bên châu Á trên thị tường tài chính nguyên vật liệu và hiện đang bị trung tâm tài chính Singapore đe dọa cạnh tranh trên thị trường quản lý tài sản.
Với nhưng phân tích ở trên dự án này đưa ra một thỏa thuận có lợi cho Thụy Sĩ cũng như cho Việt Nam (win-win), Thụy Sĩ giúp ta thiết lập Trung tâm tài chính tại và họ sẽ có một “đầu cầu” trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
- Dự án tiến hành như thế nào, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim: Tôi đã có cơ hội trình bày những ý ở trên với Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam cạnh Liên hợp quốc, và đươc sự hưởng ứng rất nhiệt tình của Đại sứ và chính Đại sứ Dũng đã đứng ra kết nối với Tổng Giám đốc Hiệp hội Trung tâm tài chính Geneva và sau đó trình bày ý tưởng với Bộ trưởng kinh tế của Bang Geneva. Với đề xuất của ta, phía Thụy Sỹ hưởng ứng rất tích cực.
Bước khởi đầu đã diễn ra tương đối thuận lợi nhưng những bước sau cũng rất quan trọng, phải làm sau trình bầy cặn kẽ dự án cho cả hai bên, cho những người cụ thể bắt tay vào việc xây dựng trung tâm.
Về phía Thụy Sĩ, là nhắm những thành viên của Hiệp hội FGPF, những công ty trong tương lai sẽ thiết lập công ty con, chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, phải có sự vào cuộc của các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
Ta cũng không quên là luật về đặc khu kinh tế sẽ phải được Quốc hội phê duyệt. Cuối cùng và không kém phần quan trọng là người dân, nhất là người cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sống với Trung tâm này, họ cũng cần được giải thích.
- Xin cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của TTXVN./.