Trong tháng Ba này, Thụy Sĩ và Pháp sẽ nộp hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh truyền thống, bí quyết chế tạo đồng hồ và máy cơ học (với một đại diện là hộp nhạc) của người dân ở khu vực Jura vào danh sách đại diện các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Khu vực Jura trải dài qua các bang Berne, Vaud, Neuchâtel và Jura, nằm ở phía Tây Thụy Sĩ và vùng Bourgogne-Franche-Comté của Pháp, bao gồm các tỉnh Doubs, Haute-Saône, Jura, Territoire de Belfort, nằm ở phía Đông nước Pháp.
Hiện nay, các thợ thủ công, các doanh nghiệp, trường đào tạo nghề, các bảo tàng và hiệp hội nghành nghề đang bảo tồn và truyền thụ các kỹ thuật, bí quyết chế tạo, sản xuất đồng hồ trong khu vực trải rộng ở cả hai nước Thụy Sĩ và Pháp. Các kỹ thuật, bí quyết này mang tính thủ công, truyền thống và sáng tạo.
Sau khi truyền thống quản lý nguy cơ tuyết lở của Thụy Sĩ và Áo được ghi danh vào danh sách đại diện các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 11/2018, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ lại tiếp tục đề nghị UNESCO vinh danh truyền thống chế tạo đồng hồ của người dân nước này.
Cơ quan chuyên trách các vấn đề văn hóa Liên bang Thụy Sĩ là đơn vị đề cử hồ sơ về truyền thống, bí quyết chế tạo đồng hồ lên UNESCO. Hơn 10 chuyên gia đã làm việc miệt mài để soạn thảo hồ sơ nói trên.
Hồ sơ về truyền thống, bí quyết chế tạo đồng hồ của Thụy Sĩ và Pháp đã hoàn tất. Ông Julien Vuilleumier chuyên gia của Cơ quan chuyên trách các vấn đề văn hóa Liên bang Thụy Sĩ, cho biết hồ sơ bao gồm phần trình bày chi tiết về di sản, các biện pháp bảo tồn di sản đã được thực hiện và cả các biện pháp đang được lên kế hoạch. Ngoài các văn bản giới thiệu di sản, hồ sơ tập hợp cả các hình ảnh và một bộ phim về truyền thống chế tạo đồng hồ.
[Manchester được vinh danh là thành phố Văn học của UNESCO]
Ông Régis Huguenin-Dumittan, chuyên gia bảo tồn tại Bảo tàng Đồng hồ Quốc tế ở La Chaux-de-Fonds (bang Neuchâtel, Thụy Sĩ) khẳng định: "Việc đề nghị UNESCO ghi danh truyền thống chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ vào danh sách đại diện các di sản văn hóa phi vật thể của Nhân loại nhằm vinh danh và bảo tồn truyền thống quý báu này."
Theo ông Régis Huguenin-Dumittan, việc vinh danh này không nhằm vào kinh tế hay quảng cáo, dù rằng việc UNESCO công nhận truyền thống chế tạo đồng hồ là di sản văn hóa phi vật thể chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực về mặt kinh tế và du lịch cho khu vực Jura nói riêng, cho Thụy Sĩ và Pháp nói chung.
Các chuyên gia soạn thảo hồ sơ quan tâm thực sự đến việc họ đã có thể cùng nhau tập hợp lại, trao đổi các thông tin, hiểu biết, kinh nghiệm về thống kê, bảo tồn, lưu trữ và truyền tải di sản đến đông đảo công chúng. Ngày nay, những “nhân vật” chủ chốt trong ngành chế tạo đồng hồ chính là các doanh nghiệp lớn, có uy tín, được biết đến trên toàn thế giới.
Ông Michel Bourreau, chuyên gia của hãng đồng hồ Parmigiani (Thụy Sĩ), nhấn mạnh rằng trong ngành sản xuất đồng hồ, giữa công nghiệp và thủ công có sự liên hệ với nhau, sự cân bằng giữa công nghiệp và thủ công cũng là một yếu tố cần được bảo tồn.
Chuyên gia của hãng Parmigiani cũng cho rằng việc UNESCO vinh danh truyền thống chế tạo đồng hồ sẽ là một tín hiệu gửi đến các chính trị gia và người dân nói chung, thúc đẩy nhận thức cộng đồng về di sản này của Thụy Sĩ và Pháp.
Quyết định của UNESCO về việc vinh danh truyền thống chế tạo đồng hồ của Thụy Sĩ và Pháp sẽ được công bố vào tháng 11/2020./.