Theo Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter, nỗ lực của Thụy Sĩ nhằm thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) cho phép nước này hạn chế người di cư có thể đổ vỡ nếu cử tri Anh quyết định rời khỏi EU thông qua cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề “Brexit" được tổ chức vào 23/6.
Thụy Sĩ có thời hạn đến tháng 2/2017 để thực hiện yêu cầu của người dân từ một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014, theo đó nước này bắt buộc phải hạn chế dòng người nhập cư, khi mà hiện nay, một phần tư dân số Thụy Sĩ là người nước ngoài.
Thụy Sĩ đang tìm cách thương lượng với EU để đạt được một sự thỏa hiệp, trong khi EU lại không chấp nhận bất kỳ sự cản trở nào về việc tự do di chuyển của người dân trong khối này. Các cuộc thương lượng giữa hai bên đã được hoãn lại cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình SRF, ông Burkhalter nói rằng Thụy Sĩ đã đạt được sự nhất trí với các quốc gia chủ chốt trong EU về việc đẩy mạnh các cuộc thương lượng sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, với mục tiêu đạt được thỏa thuận trong mùa Hè này để sớm trình lên Quốc hội xem xét.
Tuy nhiên, ông Burkhalter cũng lo ngại rằng EU sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề nước Anh rời khỏi khối, nếu điều đó xảy ra, và điều này sẽ gây khó khăn cho Thụy Sĩ trong việc tìm kiếm giải pháp về người nhập cư từ các nước châu Âu khác.
Việc thực hiện yêu cầu từ cuộc trưng cầu dân ý về hạn chế người nhập cư có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế song phương giữa Thụy Sĩ và EU, trong đó có việc di chuyển tự do và những tác động tương quan giữa hai bên.
Chính phủ Thụy Sĩ dự đoán việc phá bỏ các thỏa thuận song phương, khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này bị giảm 7% vào năm 2035. Lãnh đạo các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng cho rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng./.