Thụy Sĩ là nước thứ 58 ký Công ước chống trốn thuế

Thụy Sĩ đã ký Công ước đa phương về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong vấn đề thuế, hay còn gọi là Công ước chống trốn thuế, của OECD.

Ngày 15/10, tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tại Paris (Pháp), Thụy Sĩ đã ký Công ước đa phương về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong vấn đề thuế, hay còn gọi là Công ước chống trốn thuế, của OECD. Như vậy Thụy Sĩ trở thành quốc gia thứ 58 tham gia Công ước này.

Đại diện thường trực của Thụy Sĩ tại OECD, ông Stefan Fluckiger, người trực tiếp ký Công ước, khẳng định đất nước ông mong muốn bảo vệ uy tín và danh tiếng một "sân chơi tài chính" quan trọng của mình.

Phía OECD cũng đánh giá việc Thụy Sĩ tham gia Công ước là tín hiệu rõ ràng chứng tỏ quyết tâm đấu tranh chống trốn thuế của quốc gia Tây Âu này.

Công ước chống trốn thuế của OECD quy định các cơ quan thuế của các nước ký Công ước sẽ hợp tác trong việc phát hiện các cá nhân có tài sản, tài khoản tại nước ngoài có ý định trốn thuế. Các nước sẽ trao đổi thông tin, tổ chức các cuộc kiểm tra thuế đồng thời, hỗ trợ trong việc đòi lại các khoản tiền trốn thuế.

Thực tế trên thế giới cho thấy tiền "bẩn" có được từ hoạt động phạm tội, tham nhũng và trốn thuế thường được chuyển ra nước ngoài tới các thiên đường trốn thuế núp dưới các công ty vỏ bọc. Việc chia sẻ thông tin về thuế có thể là một công cụ quan trọng để phát hiện tiền "bẩn" từ thu nhập bất hợp pháp.

OECD hướng tới áp dụng cơ chế trọng tâm của cuộc chiến chống trốn thuế, đó là các ngân hàng sẽ tự động cung cấp thông tin cho một nước về tài khoản của người dân nước họ, dự định bắt đầu từ năm 2015.

Hiện hai ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là UBS và Credit Suisse đang bị Mỹ điều tra với cáo buộc đã giúp công dân Mỹ trốn thuế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục