Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam 1 triệu franc để khắc phục hậu quả bão số 3

Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) sẽ gửi hàng cứu trợ, bao gồm 300 lều gia đình và 2 hệ thống phân phối nước có khả năng phục vụ 10.000 người, giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3.

Nước sông Hồng lên cao, nhấn chìm các khu vực nằm ven sông ở thành phố Yên Bái, chiều 9/9. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Nước sông Hồng lên cao, nhấn chìm các khu vực nằm ven sông ở thành phố Yên Bái, chiều 9/9. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) ngày 12/9 thông báo sẽ cử 6 chuyên gia từ bộ phận Viện trợ Nhân đạo Thụy Sĩ đến Việt Nam và cung cấp 1 triệu franc để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi tại quốc gia Đông Nam Á này.

Thông báo cho biết các chuyên gia, bao gồm các chuyên gia về nước và vệ sinh, nơi trú ẩn khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai, sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam đánh giá nhu cầu và xây dựng các phản ứng ngắn hạn và trung hạn.

SDC cũng đang chuẩn bị để gửi hàng cứu trợ, bao gồm 300 lều gia đình và hai hệ thống phân phối nước có khả năng phục vụ 10.000 người.

Trong thời gian tới, SDC cũng sẽ liên lạc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để chuyển hàng hóa thiết yếu do Thụy Sĩ tài trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng. Ngoài ra, SDC cũng dành riêng 1 triệu franc để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đây được xem là nỗ lực cụ thể của Bern cho Quỹ ứng phó thảm họa khẩn cấp của Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC-DREF), đơn vị cũng đã giải ngân tiền để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ.

Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia ưu tiên của Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO), đơn vị hiện đang xem xét việc phân bổ lại một số hoạt động để giải quyết các nhu cầu phát sinh từ thảm họa.

Trước đó, bão Yagi đã gây ra thiệt hại nặng nề ở một số quốc gia Đông Nam Á. Gió mạnh, tiếp theo là mưa lớn, đã gây ra tàn phá diện rộng ở Philippines, Trung Quốc và sau đó là Việt Nam.

Tại Việt Nam, thời tiết khắc nghiệt đã làm ngập lụt nhiều thành phố và khu vực, gây ra các trận lở đất lớn. Các vùng núi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Do nhu cầu quá lớn, chính quyền Việt Nam đã đưa ra lời kêu gọi quốc tế hỗ trợ.

SDC ghi nhận quá trình sơ tán người dân cùng các biện pháp phòng ngừa khác do chính quyền thực hiện đã giúp giảm thiểu số lượng nạn nhân. Tuy nhiên, hàng ngàn người đã phải di tản và cho đến nay, hàng trăm người được báo cáo đã chết hoặc mất tích.

Theo SDC, Việt Nam chưa phải đối mặt với một thảm họa thiên nhiên nào có quy mô như thế này trong hơn ba thập kỷ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục