Theo thông cáo báo chí của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (MAFF), chính phủ Thụy Sĩ thông qua Ban thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) đã phê chuẩn Chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp Indonesia tăng cường năng lực xuất- nhập khẩu các sản phẩm thủy sản, bao gồm cả đào tạo nguồn nhân lực, chế biến sau thu hoạch, và tiếp thị sản phẩm.
Chương trình hỗ trợ năm năm nói trên - tập trung vào nâng cao giá trị và chất lượng các mặt hàng thủy sản cao cấp như tôm, cá ngừ, cá tra, cá măng, rong biển và chế biển thủy sản, được triển khai đồng thời trong khuôn khổ Chương trình công nghiệp hóa ngành thủy sản của MMAF.
Việc hỗ trợ sẽ được tiến hành tại Sidoarjo và Banten với sản phẩm tôm, tại Ambon và Pelabuhan Ratu với cá ngừ, tại Đông Sumba và Trung Lombok với rong biển, tại Java, Sumatra và Kalimantan với cá tra, tại Java với cá măng, tại Bắc Sumatra, Lampung, Java, Bali và Tây Nusa Tenggara với chế biến thủy sản.
Chương trình hỗ trợ của Thụy Sĩ còn dành sự quan tâm nâng cao năng lực cho ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản các địa phương ở Indonesia về ký kết hợp đồng, nâng cao tay nghề, tuân thủ các yêu cầu xuất khẩu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến tại các thị trường nước ngoài.
MMAF đánh giá cao sự hỗ trợ của Thụy Sĩ, sẽ giúp Indonesia hoàn thành mục tiêu xuất khẩu thủy sản đề ra cho năm 2014 và các năm sau đó.
Năm 2013, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Indonesia đạt 4,16 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 467,4 triệu USD, và con số mục tiêu đề ra cho năm 2014 là 5,6 tỷ USD và năm 2019 là 9,43 tỷ USD.
Hiện ngành thủy sản Indonesia có tới 63.000 cơ sở chế biến thủy sản, song hầu hết có quy mô nhỏ và công nghệ chế biến còn lạc hậu, trong khi số có quy mô lớn chỉ chiếm chưa đầy 1% (624 cơ sở)./.