Thụy Sĩ gia hạn các biện pháp kiểm soát dịch, Italy bác bỏ nới lỏng

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ ngày 8/4 đã quyết định kéo dài các biện pháp kiểm soát đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thêm một tuần nữa, tức đến ngày 26/4.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 20/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 20/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ ngày 8/4 đã quyết định kéo dài các biện pháp kiểm soát đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thêm một tuần nữa, tức đến ngày 26/4.

Sau đó các biện pháp này sẽ được nới lỏng dần, chi tiết của kế hoạch sẽ được bàn thảo và công bố trong tuần tới.

Thụy Sĩ hôm 16/3 đã tuyên bố đại dịch COVID-19 là một tình huống khẩn cấp bất thường, theo đó ban hành lệnh cấm đến ngày 19/4 tất cả các sự kiện công và tư, đóng cửa các quán bar, nhà hàng, cơ sở thể thao và không gian văn hóa trên cả nước.

Các trường học cũng đóng cửa trên toàn quốc. Chỉ các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân - như cửa hàng tạp hóa, tiệm bánh, nhà thuốc, ngân hàng và bưu điện - mới được phép mở.

[Dịch COVID-19 đến 6h sáng 9/4: Số ca mắc vượt ngưỡng 1,5 triệu]

Theo Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga và Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset, các biện pháp được đưa ra để chống lại sự lây lan virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 đang được công chúng thực hiện tốt và hiện có hiệu quả như mong muốn.

Dịch COVID-19 đã lan rộng ở Thụy Sĩ nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại trong những ngày gần đây. Tổng thống Sommaruga nói thêm: "Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chưa đi đến đích."

Còn Bộ trưởng Berset cho rằng sau 4 tuần áp dụng các biện pháp hạn chế, tình hình đã phát triển thuận lợi. Ông Bernet nhấn mạnh rằng người dân cần phải tiếp tục tôn trọng các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội.

Thụy Sĩ vẫn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 với 22.646 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và hơn 850 trường hợp tử vong trên tổng số 8,5 triệu người dân.

Cũng trong ngày 8/4, Chính phủ Thụy Sĩ cảnh báo đất nước có thể bị suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử do dịch bệnh. Kịch bản có thể tồi tệ hơn nhiều so với dự báo trước đây của chính phủ nếu việc đóng cửa kéo dài ở Thụy Sĩ cũng như ở nước ngoài, gây ra tình trạng phá sản và cắt giảm việc làm.

Trong khi đó, tại Italy, nơi đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bệnh, 17.699/139.422, Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 8/4 khẳng định Italy phải kiên trì với lệnh phong tỏa khắt khe để cố gắng kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh và  bác bỏ những lời kêu gọi của các doanh nghiệp được mở lại công ty.

Thụy Sĩ gia hạn các biện pháp kiểm soát dịch, Italy bác bỏ nới lỏng ảnh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Rome, Italy ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tờ Bild của Đức dẫn đoạn băng ghi âm phát biểu của Thủ tướng Conte nêu rõ: "Các nhà khoa học yêu cầu chúng tôi hoàn toàn không được nới lỏng các biện pháp hạn chế."

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu người dân Italy tôn trọng lệnh phong tỏa của chính phủ thì số người mới mắc COVID-19 cũng như con số tử vong sẽ giảm, tuy vậy Thủ tướng vẫn nhấn mạnh phải tiếp tục áp đặt biện pháp khắt khe này.

[Dịch COVID-19 đến 6h sáng 9/4: Số ca mắc vượt ngưỡng 1,5 triệu]

Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 8/4 công bố nước này ghi nhận thêm 3.836 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 139.422 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong đã tăng lên 17.669 trường hợp (tăng 542 ca) và số ca hồi phục là 26.491 ca (tăng 2.099 ca).

Italy hiện có tổng số 28.485 ca nhập viện với các triệu chứng, 3.693 ca phải điều trị tích cực, và 63.084 trường hợp cách ly tại nhà. Theo đó, nước này tiếp tục ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm 99 trường hợp so với ngày 7/4.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong báo cáo mới nhất, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Eurozone sẽ giảm 9% trong năm 2020 và sẽ tăng 7,8% trong năm 2021. Trong đó, GDP của Italy hứng chịu sự suy giảm mạnh nhất 11,6% và sẽ tăng trở lại vào năm 2021 ở mức 7,9%.

Goldman Sachs cũng khẳng định sự không chắc chắn về các dự báo mới đưa ra, khi mà dự báo chủ yếu dựa trên 3 thông số chính: thời điểm đỉnh dịch, thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và tốc độ phục hồi sau đó. Goldman Sachs ước tính trong kịch bản xấu nhất GDP của Eurozone sẽ sụt giảm đến 16%.

Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo GPD của Pháp sẽ giảm 7,4% trong năm 2020 và tăng trở lại 6,4% trong năm 2021; Đức với ước tính tương ứng giảm 8,9% và tăng 8,5%; Tây Ban Nha giảm 9,7% và tăng 8,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục