Thụy Sĩ-EU chưa đạt đột phá trong đàm phán định hình quan hệ tương lai

Sau đàm phán Thụy Sĩ-EU ngày 16/10, EC đánh giá các cuộc đàm phán về thiết lập khung thể chế cho mối quan hệ trong tương lai của hai bên đạt tiến triển, nhưng không có đột phá thực sự.
(Nguồn: dw)

Các cuộc đàm phán về việc thiết lập khung thể chế cho mối quan hệ trong tương lai giữa Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU) đạt tiến triển, nhưng không có đột phá thực sự.

Đây là đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC) sau cuộc đàm phán giữa hai bên ngày 16/10, tại Brussels của Bỉ.

Sau cuộc gặp trên, hai bên đã ra thông cáo báo chí chung, nêu rõ không thể đi đến thống nhất về các quan điểm chính trị quan trọng.

Thông cáo cũng cho biết thêm "Từ giờ trở đi, EC sẽ đánh giá phần tiếp theo của hồ sơ đàm phán theo khía cạnh chính trị."

Trước đó hơn một tháng, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã hối thúc Thụy Sĩ tìm kiếm một thỏa thuận về thiết lập khung thể chế với EU càng sớm càng tốt, đồng thời bày tỏ mong muốn đạt một “thỏa thuận toàn diện” với quốc gia Trung Âu này và từ chối một thỏa thuận được thông qua từng giai đoạn một.

Kể từ năm 2014, Thụy Sĩ và EU đã tiến hành đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận thiết lập khung thể chế.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã gặp phải những trở ngại chính như vấn đề hỗ trợ và đặc biệt là các biện pháp kèm theo nhằm đảm bảo mức lương tối thiểu và các điều kiện làm việc tại Thụy Sĩ, ngăn chặn việc giảm chi phí sản xuất bằng cách giảm tiền lương của các lao động.

[EU hối thúc Thụy Sĩ hoàn tất thỏa thuận khung thể chế]

Hai bên dự kiến đi đến một thỏa thuận về khung thể chế nhằm vạch ra tương lai cho mối quan hệ song phương vào cuối năm 2018.

Một số lĩnh vực mà Thụy Sĩ muốn duy trì trong khuôn khổ quan hệ về thể chế với EU là: tự do đi lại, các sản phẩm nông nghiệp xuyên biên giới, hàng không dân dụng.

Bên cạnh đó, Thụy Sĩ muốn bảo vệ các quy định nghiêm ngặt của nước này về mức lương tối thiểu và các điều kiện làm việc, hạn chế ảnh hưởng trong thị trường lao động...

Trong khi đó, EU muốn Thụy Sĩ hội nhập hơn nữa vào thị trường chung của liên minh này, đồng thời chịu sự điều chỉnh luật pháp và các quy định của EU.

Trước đó, EU cảnh báo nếu không có thỏa thuận khung thể chế, thì trong tương lai sẽ không có thỏa thuận mới nào giữa hai bên.

Điều này dẫn tới việc Thụy Sĩ sẽ không thể tiếp cận thị trường chứng khoán châu Âu sau năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục