Ngày 15/1, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã dỡ bỏ tỷ giá cố định của đồng nội tệ franc so với đồng euro (ở mức 1,20 franc/euro) mà ngân hàng này áp dụng trong ba năm qua, một quyết định đang được xem như cơn "địa chấn" trên thị trường tài chính châu Âu.
Ngay lập tức, các thị trường thế giới đã phản ứng đáng lo ngại và xuất hiện nhiều cảnh báo về tác hại của quyết định trên đối với nền kinh tế.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, gọi đây là quyết định bất ngờ khi mới chỉ một ngày trước đó, SNB còn tuyên bố chính sách tỷ giá cố định đồng franc là một trong những chính sách nền tảng.
Giải thích về quyết định dỡ bỏ, Tổng giám đốc SNB Thomas Jordan chỉ nói rằng quy định hạn chế mức giá sàn đã "không còn cần thiết."
Cùng ngày 15/1, SNB còn dự báo sẽ hạ 0,5% lãi suất đối với các khoản tiền gửi nhằm giảm bớt "độ hấp dẫn" của đồng franc.
Ngay sau khi quyết định trên được công bố, đồng nội tệ của Thụy Sĩ tăng giá mạnh tới 30%, sau đó có "hạ nhiệt" tuy đã không "rơi" trở lại mức cũ.
Vào cuối ngày 15/1, tỷ giá cặp franc/euro đã giảm 16% so với một ngày trước đó, còn khoảng 1,0035 franc/euro, ngược lại, giá đồng franc so với đồng USD lại tăng mạnh, lên mức 0,7406 franc/USD - cao nhất kể từ tháng 8/2011.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tiếp sau đồng tiền của Mỹ và châu Âu, đồng nội tệ của một số nước Đông Âu cũng biến động mạnh. Trong ngày, đồng zloty của Ba Lan và forint của Hungary cùng giảm 1,7% so với đồng euro. Như vậy, hai đồng tiền này đã mất giá khoảng 18% so với đồng franc Thụy Sĩ.
Đây được xem là một tin rất đáng lo ngại đối với các nước bao gồm Ba Lan, Hungary và Croatia, nơi tín dụng bằng đồng franc chiếm tỷ lệ không nhỏ do đồng tiền này vốn có lãi suất thấp hơn hẳn các đồng ngoại tệ khác.
Quyết định thả nổi tỷ giá đồng franc của SNB chắc chắn tiềm ẩn rủi ro cho kinh tế Thụy Sĩ, khu vực và toàn cầu do sự thay đổi giá trị đột ngột giữa các đồng tiền. Ngay trong ngày đầu thả nổi, các cổ phiếu Thụy Sĩ đã mất giá 10%. Trong "ngày sụp đổ" mạnh nhất kể từ 25 năm qua này, thị trường chứng khoán nước này đã mất khoảng 100 tỷ franc.
Theo đánh giá của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS, cổ phiếu ngân hàng đã mất giá 15% chỉ ít giờ sau quyết định thả nổi, xuất khẩu Thụy Sĩ sẽ hụt thu khoảng 5 tỷ franc và giảm khoảng 0,7 điểm phần trăm tổng sản lượng.
Theo một dự báo khác của Tập đoàn IG của Anh, quyết định thả nổi đồng franc sẽ khiến giới môi giới chứng khoán Anh thiệt hại khoảng 45 triệu USD./.