Thụy Sĩ vẫn đang nằm trong "danh sách xám" các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng tiêu chuẩn minh bạch thuế ở mức thấp.
Tuy nhiên, đầu năm tới, nước này thậm chí có thể bị liệt vào "danh sách đen" các thiên đường trốn thuế do Liên minh châu Âu (EU) lập ra.
Trong khuôn khổ cuộc họp mới đây ở Luxembourg, các bộ trưởng tài chính EU đã nhất trí tiếp tục giữ tên Thụy Sĩ trong "danh sách xám" nói trên. Lý do là sau thời hạn một năm để thực hiện những điều chỉnh trong chính sách thuế, nước này vẫn không loại bỏ được năm điều khoản thuế liên quan các doanh nghiệp vốn bị EU chỉ trích, theo đúng cam kết mà Bern từng đưa ra hồi tháng 10/2014.
Trên thực tế, năm điều khoản này đã được xem xét loại bỏ qua cuộc cải cách thuế của các doanh nghiệp lần thứ ba. Tuy nhiên, định hướng cải cách này đã vấp phải sự phản đối của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 2/2017.
Tiếp sau đó, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer đã khởi động một dự án cải cách thuế doanh nghiệp mới, nhưng thời gian không kịp để đưa ra thay đổi. Và mới đây, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ (Chính phủ) thông báo nước này sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về cải cách thuế sớm nhất vào ngày 19/5/2019.
[Liên minh châu Âu bổ sung 3 cái tên vào danh sách "thiên đường thuế"]
Tuy nhiên, tại cuộc họp ở Luxembourg năm nay, các bộ trưởng EU cân nhắc ngay từ đầu năm 2019 tới, EU sẽ đưa ra quyết định về việc quốc gia hay lãnh thổ nào sẽ được xóa tên khỏi "danh sách xám."
Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ không giữ đúng cam kết sẽ bị liệt vào "danh sách đen" các thiên đường trốn thuế.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết quyết định này sẽ được đưa ra vào tháng 2 hoặc tháng 3/2019 và cũng theo ông, trong tương lai sẽ không còn "danh sách xám."
Trước đó, ngày 1/10, phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu về chủ đề "Thụy Sĩ và thuế" cho thấy vẫn còn những ngờ vực đáng kể đối với quốc gia Trung Âu trong lĩnh vực này.
Hai đại biểu tham dự là cựu lãnh đạo ngành ngân hàng Julius Bär - người từng trao cho WikiLeaks hàng ngàn tài liệu chứa đựng những bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ Rodolf Elmer, và cựu chuyên gia ngân hàng người Đức Andreas Frank có uy tín trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền, đều chỉ trích mạnh mẽ Thụy Sĩ.
Họ cho rằng nước này không hợp tác đúng đắn trong việc trao đổi thông tin, không bảo vệ đúng mức những người tố giác và vẫn có những điều luật lỏng lẻo về rửa tiền.
Hồi tháng 12/2017, EU đã liệt 17 quốc gia và vùng lãnh thổ vào "danh sách đen" các thiên đường trốn thuế, trong khi 45 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đưa vào "danh sách xám" sau khi nhận được nhiều thông tin tiết lộ các kế hoạch trốn thuế lớn của nhiều công ty và cá nhân giàu có./.