Thủy điện vừa và nhỏ được coi là nguồn quan trọng góp phần bổ sung lượng điện thiếu hụt, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy vậy, để khai thác đạt hiệu quả cao, ít gây ảnh hưởng đến môi trường là nội dung được đưa ra tại hội thảo: “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững,” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 5/10, tại Hà Nội.
[Thuỷ điện “vượt đèn đỏ”: Con voi chui qua lỗ kim cách nào?]
Loại bỏ các dự án không hiệu quả
Trước năm 2013, công tác quy hoạch thủy điện nhỏ do Uỷ ban nhân dân các tỉnh tổ chức lập, thẩm định và quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương, song việc quản lý còn chưa đồng bộ đã nảy sinh nhiều bất cập.
Thực tế đã có tình trạng các nhà đầu tư “chạy” xong dự án là trao đổi mua đi, bán lại mà không tổ chức triển khai thực hiện như Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
Đánh giá từ Bộ Công Thương còn cho thấy, một số chủ đầu tư đã, tư vấn và nhà thầu còn vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai dự án, hoặc vận hành khai thác, chưa kể năng lực quản lý khai thác, thiết kế dự án chưa đáp ứng yêu cầu.
Hệ lụy này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã dẫn tới chất lượng quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng, còn vi phạm quy định về vận hành nhà máy gây bức xúc cho dư luận.
[Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM]
Còn theo ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhiều chủ đập thủy điện chưa chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong việc dự báo, tính toán lưu lượng nước về hồ để phục vụ vận hành hiệu quả, an toàn hồ chứa.
Tuy vậy, ông Lượng cũng chỉ ra những bất cập này là do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết quy định chủ đập lắp đặt thiết bị quan trắc thủy văn trên lưu vực hồ chứa như quy định về mật độ, loại thiết bị. Do đó chưa ràng buộc, chưa có cơ sở để các chủ đập lắp đặt vận hành hồ chứa hiệu quả.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát lại quy hoạch. Kết quả, sau khi rà soát đã loại bỏ 468 dự án do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội.
Tính đến thời điểm hiện nay, công tác rà soát thủy điện nhỏ về cơ bản đã tương đối đầy đủ, chi tiết trên phạm vi cả nước, đảm bảo các yêu cầu Nghị quyết 62 của Quốc hội. Tổng thể quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn toàn quốc sau rà soát là 713 dự án với 7.217,64 MW.
[Hòa Bình: Dự án thủy điện Suối Mu "trốn" báo cáo đánh giá môi trường]
Trong đó, 264 dự án đã được đưa vào vận hành khai thác với 2.658,96 MW, đang thi công xây dựng 146 dự án với 1.833,5 MW, đang nghiên cứu đầu tư 250 dự án 2.459,7MW, trong khi 53 dự án còn lại chưa nghiên cứu đầu tư.
- Biểu đồ thủy điện nhỏ và vừa trong quy hoạch:
Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư
Để tránh những hệ lụy xảy ra, gây hậu quả xấu cho môi trường, theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cơ quan chức năng sẽ ban hành chế tài xử phạt đối với các Chủ đầu tư các dự án thủy điện khi có những vi phạm như: Không thực hiện trồng rừng thay thế, trì hoãn chi trả dịch vụ môi trường rừng, vi phạm quy trình vận hành hồ chứa, không đảm bảo duy trì lưu lượng xả môi trường.
Đặc biệt là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, các cam kết đảm bảo môi trường,... theo quy định của pháp luật.
"Trường hợp vi phạm nghiêm trọng ngoài chế tài xử phạt bằng tiền, có thể xem xét rút Giấy phép hoạt động điện lực hoặc có chế tài xử phạt đối với các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát và nhà thầu thi công khi dự án xảy ra sự cố công trình gây thiệt hại nghiêm trọng, có thể đưa ra truy tố trước pháp luật," ông Quân nói.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy hiệu quả trong lĩnh vực này cũng như góp phần đảm bảo anh ninh năng lượng, ông Quân cho biết, Bộ Công Thương sẽ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các nhà đầu tư thủy điện nhỏ như điều chỉnh mức vốn tự có của Chủ đầu tư từ 30% theo quy định xuống 15%, thậm chí có cơ chế ưu tiên để các Chủ đầu tư được vay với lãi suất ưu đãi cho dự án từ Ngân hàng thế giới...
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển thủy điện nhỏ ở Việt Nam.
Trong khi đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định cho phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa an toàn và hiệu quả./.