Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO: Nguyên nhân và hệ quả

Nhật báo Les Echos cho rằng sự chuyển hướng bất ngờ này chỉ được đưa ra xem xét và được dân chúng ủng hộ kể từ khi bùng nổ chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 vừa qua.
Ngày 18/5, tại Brussels (Bỉ), Đại sứ hai nước Phần Lan và Thụy Điển tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối liên minh quân sự. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.

Phân tích về nguyên nhân và hệ quả của quyết định lịch sử này, nhật báo Les Echos cho rằng sự chuyển hướng bất ngờ này chỉ được đưa ra xem xét và được dân chúng ủng hộ kể từ khi bùng nổ chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 vừa qua.

Đây là một sự thay đổi chiến lược đối với cả Helsinki và Stockholm, góp phần khép lại lịch sử trung lập lâu đời của hai quốc gia này và vẽ lại địa lý của an ninh Đại Tây Dương bằng cách mở rộng đáng kể biên giới của khu vực này.

Theo Les Echos, đây là quyết định có tính lịch sử vì nó chấm dứt chính sách không liên kết về quân sự của hai quốc gia Bắc Âu vốn được duy trì từ rất lâu. Năm 1948, Helsinki chấp nhận một hình thức trung lập bắt buộc dưới áp lực từ Moskva, vốn đã đi vào lịch sử với tên gọi “Phần Lan hóa."

Về phần mình, Stockholm đã duy trì chính sách trung lập chính thức trong gần 2 thế kỷ, sau khi các cuộc chiến tranh của Napoléon kết thúc. Kể từ năm 1814, Thụy Điển đã không xảy ra chiến tranh và nước này cũng mới chỉ tham gia các nhiệm vụ quân sự ở Afghanistan, hoặc gần đây là ở Mali.

Cả Thụy Điển và Phần Lan chỉ xích lại gần hơn với NATO sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc tham gia Hiệp định Đối tác vì Hòa bình của liên minh này năm 1994 khiến họ trở thành những đối tác đặc quyền. Họ cũng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào cùng thời điểm một năm sau đó. Nhưng cho đến nay, hai nước này vẫn không liên kết về mặt quân sự.

Chiến dịch tại Ukraine của quân đội Nga đã thay đổi mọi thứ. Trong một tuần, sự lo ngại về các hành động của Điện Kremlin đã khiến đa số người Phần Lan ủng hộ tư cách thành viên NATO, trong khi Thụy Điển, lần đầu tiên kể từ năm 1939, đã đưa ra tranh luận và đồng ý viện trợ vũ khí cho một quốc gia đang có chiến tranh - Ukraine.

Lộ trình gia nhập

Hiện nay, việc đề nghị gia nhập NATO của cả hai quốc gia đã được chính thức hóa, các cuộc đàm phán về tư cách thành viên sẽ bắt đầu. Hai cuộc họp sẽ diễn ra tại trụ sở của tổ chức ở Brussels, cuộc họp đầu tiên về các khía cạnh chính trị, quân sự và quốc phòng và cuộc họp thứ hai, mang tính kỹ thuật hơn, sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý, tài nguyên và an ninh (đặc biệt là bảo vệ thông tin và hợp tác tình báo), cũng như thỏa thuận về mức đóng góp của các thành viên mới vào ngân sách chung của NATO.

Các nước ứng cử viên sẽ phải thuyết phục đại diện của các nước và các chuyên gia của NATO về khả năng của họ trong việc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết đã được quy định trong Hiệp ước Washington năm 1949. Tất cả 30 thành viên của NATO sẽ phải nhất trí chấp nhận ứng cử. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ đang tỏ ra dè dặt trước sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, quốc gia mà họ cáo buộc chứa chấp những đối thủ mà họ coi là “khủng bố." Nhưng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông “tự tin” về khả năng tìm được thỏa hiệp với Ankara.

[Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO]

Sau các cuộc họp này, “lộ trình thực hiện các cải cách cần thiết” sẽ được thiết lập và có thể “tiếp tục ngay cả sau khi các nước này gia nhập NATO”, theo thông báo của liên minh. Quá trình sẽ chỉ hoàn tất với chữ ký và sự phê chuẩn của hai nghị viện về nghị định thư gia nhập NATO.

Trước đó, đối với Bắc Macedonia, thành viên thứ 30 và gia nhập NATO gần đây nhất, toàn bộ quá trình này đòi hỏi mất khoảng một năm. Chỉ khi kết thúc quá trình gia nhập, Thụy Điển và Phần Lan mới được hưởng lợi từ Điều 5 của Hiệp ước Washington quy định sự đoàn kết của tất cả các nước thành viên trong trường hợp có sự gây hấn với một trong số họ.

Hai nước cho đến nay chỉ được bảo vệ bởi điều khoản phòng vệ lẫn nhau của Hiệp ước EU, bắt buộc các quốc gia thành viên cung cấp "viện trợ và trợ giúp" trong trường hợp có “gây hấn vũ trang” chống lại một trong số họ.

Về phía NATO, giờ đây sẽ có sự liên tục trong khu vực, ngoại trừ vùng Kaliningrad. “Sự xuất hiện của Thụy Điển và Phần Lan sẽ tạo chiều sâu chiến lược mới cho sườn phía Bắc của châu Âu", theo nhận xét trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp. Tuy nhiên, việc gia nhập này sẽ không làm cán cân quân sự bị đảo lộn. Đã là đối tác của NATO, hai nước phần lớn có quân đội “tương hợp” với bộ chỉ huy quân sự của NATO và tham dự hầu hết các cuộc thảo luận chính trị. Cả hai quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào quân đội của họ trong Chiến tranh Lạnh, dành từ 4% đến 5% GDP cho quốc phòng.

Sau khi khối Xô Viết tan rã, ngân sách này đã được điều chỉnh giảm xuống. Nhưng Phần Lan vẫn duy trì nghĩa vụ quân sự và Thụy Điển cũng đã khôi phục một phần vào năm 2017. Tuy Phần Lan chỉ có 13.000 quân nhân chuyên nghiệp, nhưng có thể huy động một đội quân khoảng 280.000 binh sĩ trong thời chiến, chưa kể lực lượng 600.000 quân dự bị khác. Thụy Điển có khoảng 50.000 binh sỹ, và một nửa trong số đó là quân dự bị.

Về phía Nga, với việc có thêm 1.300km đường biên giới với NATO, Nga đang phải hứng chịu phản ứng dữ dội từ chiến dịch mà họ tiến hành ở Ukraine nhằm ngăn cản ảnh hưởng của NATO ngay trước cửa nhà của họ.

Từ một tuần nay, Điện Kremlin đã gia tăng cảnh báo đối với Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng sau tuyên bố của hai nước này, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như muốn làm dịu mọi chuyện khi ông tuyên bố các quyết định của Helsinki và Stockholm “không phải là mối đe dọa tức thời” đối với Nga, mặc dù vậy Nga sẽ “đáp trả nếu có sự triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của NATO” trên lãnh thổ các quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục