Ngày 11/12, Thụy Điển đã quyết định áp dụng trở lại phương án sử dụng lính dự bị để tăng cường sức mạnh quân đội, với tuyên bố một trong những lý do của quyết định này là việc "Nga tái vũ trang quân đội" và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phát biểu với kênh truyền hình SVT, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nêu rõ với quyết định này, lực lượng vũ trang có thể tiến hành tập trận bằng những đơn vị quân đội có quân số đầy đủ, tức là năng lực tác chiến sẽ gia tăng.
Theo ông Hultqvist, nay lực lượng vũ trang Thụy Điển có thể huy động 7.500 công dân nước này, những người từng được huấn luyện quân sự từ năm 2004 - 2011, tham gia các cuộc diễn tập bắt đầu từ cuối năm 2015.
Quyết định của Chính phủ Thụy Điển sẽ có hiệu lực trong 10 năm, đảo ngược quyết định được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội hồi năm 2010, theo đó chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc và ngừng việc huy động những người từng là lính nghĩa vụ cũng như những người tình nguyện tham gia chương trình tái huấn luyện bắt buộc.
Việc không quân Thụy Điển không phản ứng kịp thời trước vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Stockholm năm 2013 đã khiến Tư lệnh các lực lượng vũ trang nước này thừa nhận Thụy Điển thiếu khả năng phòng thủ.
Đây cũng là nhân tố thôi thúc chính phủ mới thành lập tháng Chín vừa qua đưa ra cam kết tăng cường sức mạnh quân đội.
Thủ tướng Stefan Lofven khẳng định Thụy Điển sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng tất cả các phương tiện sẵn có, cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ vụ tấn công nào vào lãnh thổ nước này trong tương lai.
Trong khi đó, ba nước khu vực Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva cũng thông báo mua thêm nhiều vũ khí và gia tăng ngân sách quân sự sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Theo nhà phân tích Litva, ông Aleksandras Matonis, trong kịch bản tồi tệ nhất, nếu bị tấn công, các nước Baltic sẽ phải chống đỡ và đẩy lui đợt tấn công bằng chính phương tiện của riêng mình thay vì ngồi đợi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) khởi động các kế hoạch phòng thủ để can thiệp.
Ngày 9/12, Bộ Quốc phòng Estonia đã ký với Hà Lan hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước này, mua 44 xe chiến đấu CV90 và 6 xe tăng Leopard.
Trước đó một tháng, Estonia cũng đã mua của Mỹ 40 dàn phóng tên lửa đất đối không Stinger, trị giá tổng cộng 40 triệu euro.
Về phần Latvia, tháng Tám vừa qua đã mua 123 xe chiến đấu của Anh, với tổng trị giá 48 triệu euro.
Tháng 11, họ cũng ký một hiệp định với Na Uy mua 800 hệ thống chống tăng Carl Gustav và 100 xe tải. Riêng Litva đã đặt mua của nước láng giềng Ba Lan hệ thống phòng không GROM trị giá 34 triệu euro và dự tính bỏ ra thêm 20 triệu để mua tên lửa Javelin của Mỹ.
Như vậy là chỉ trong vòng sáu tháng, ba quốc gia vùng Baltic, với dân số tổng cộng chỉ có hơn 6 triệu người, đã chi ra 300 triệu euro cho các thiết bị quân sự.
Chi tiêu quân sự trong cả năm 2014 của ba nước này lên tới 1,2 tỷ euro. /.