Thụy Điển thông báo tình hình đại sứ quán bị phóng hỏa ở Iraq

Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết tất cả nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad của Iraq đều "an toàn" sau khi cơ sở ngoại giao này bị phóng hỏa.
Người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển tại Baghdad hôm 29/6. (Nguồn: Reuters)

Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết tất cả nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad của Iraq đều "an toàn" sau khi cơ sở ngoại giao này bị phóng hỏa.

Văn phòng báo chí của Bộ Ngoại giao Thụy Điển cũng nhấn mạnh chính quyền Iraq có trách nhiệm bảo vệ cơ quan đại diện và nhân viên ngoại giao của Thụy Điển ở nước này.

Trước đó, những người biểu tình đã phóng hỏa đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad để phản đối một vụ đốt kinh Koran đã được lên kế hoạch ở Thụy Điển.

Theo một cộng tác viên của AFP, khói bốc lên từ tòa nhà Đại sứ quán Thụy Điển và hàng chục người biểu tình vẫn ở hiện trường, trong khi nhiều cảnh sát chống bạo động Iraq đã được triển khai.

[Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad của Iraq bị phóng hỏa]

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Iraq cho biết nước này lên án việc phóng hỏa đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất."

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ Chính phủ Iraq đã chỉ thị cho các lực lượng an ninh nhanh chóng điều tra vụ việc và bắt các thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Trước đó, Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad đã bị phóng hỏa, trước một vụ đốt kinh Koran đã được lên kế hoạch ở Thụy Điển./.

Các cuộc biểu tình phản đối vụ đốt cuốn kinh Koran ở Thụy Điển đã diễn ra tại Iraq từ ngày 29/6 khi hàng nghìn người dân tập trung gần Đại sứ quán Thụy Điển tại thủ đô Baghdad để biểu tình phản đối vụ một người tị nạn ở Thụy Điển đốt bản sao kinh Koran hôm 28/6.

Cảnh sát Iraq đã phải phong tỏa các tuyến phố bao quanh Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad bằng các khối bêtông dày, khiến người biểu tình chỉ có thể tập trung trên đại lộ gần khu vực Đại sứ quán.

Biện pháp này được triển khai sau khi người biểu tình đã tràn vào bên trong Đại sứ quán Thụy Điển trong ngày đầu tiên và ở lại đó khoảng 15 phút trước khi bị lực lượng an ninh đưa ra ngoài.

Ngoài thủ đô Baghdad, một số cuộc biểu tình với quy mô nhỏ hơn cũng đã diễn ra ở thành phố cảng Basra hôm 30/6 với sự tham gia của hàng trăm người.

Các cuộc biểu tình này được tổ chức bởi những người ủng hộ Giáo sỹ dòng Shiite Moqtada Sadr.

Trong thông điệp gửi tới những người biểu tình, Giáo sỹ Sadr cảnh báo việc đốt bản sao kinh Koran là hành vi “kích động hận thù” và chống lại hàng triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới.

Hồi đầu tháng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed Al-Sahhaf cho biết nước này đã đề nghị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) họp khẩn cấp cao để thảo luận về vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Al-Sahhaf nêu rõ: “Baghdad đã gửi một công hàm chính thức tới Tổng thư ký OIC, trong đó Chính phủ Iraq xác nhận mong muốn tổ chức một cuộc họp khẩn ở cấp cao tại Baghdad để thảo luận về việc xúc phạm và đốt một bản sao cuốn kinh Koran ở Thụy Điển."

Trước đó, Salwan Momika, 37 tuổi, đã đốt cuốn Kinh Koran trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Medborgarplatsen, trước cửa ngôi đền lớn nhất thủ đô Stockholm. Vụ việc này đã làm bùng phát sự tức giận trong khắp thế giới Hồi giáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục