Thụy Điển sửa đổi hiến pháp để siết chặt luật chống khủng bố

Với 278 phiếu ủng hộ trên tổng số 349, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua sửa đổi hiến pháp cho phép đưa ra các luật mới nhằm hạn chế quyền tự do lập hội đối với tổ chức tham gia hoặc hỗ trợ khủng bố.
Một phiên họp của Quốc hội Thụy Điển. (Ảnh: TT)

Để thuận lợi hơn trong tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngày 16/11, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua một sửa đổi hiến pháp, mở đường cho việc xây dựng luật chống khủng bố cứng rắn hơn. 

Dự thảo sửa đổi đã được thông qua với 278 phiếu ủng hộ trong Quốc hội gồm 349 ghế của Thụy Điển, qua đó cho phép đưa ra các luật mới nhằm hạn chế quyền tự do lập hội đối với tổ chức tham gia hoặc hỗ trợ khủng bố.

Theo ủy ban thường trực của Quốc hội về các vấn đề hiến pháp, sửa đổi này sẽ cho phép hình sự hóa rộng rãi hơn việc tham gia vào một tổ chức khủng bố hoặc cấm tổ chức khủng bố.

Các chuyên gia cho rằng luật mới sẽ giúp việc truy tố các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây coi là khủng bố - dễ dàng hơn. Sửa đổi hiến pháp dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1/2023.

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước, tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã nêu rõ việc sửa đổi hiến pháp là một "bước tiến lớn."

[TNK yêu cầu Phần Lan, Thụy Điển tuân thủ thỏa thuận nếu gia nhập NATO]

Tại họp báo chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông khẳng định Thụy Điển sẽ triển khai bước đi lớn vào cuối năm nay và đầu năm tới, giúp các cơ quan thực thi pháp luật nước này có thêm quyền hạn chống khủng bố.

Tháng 5 vừa qua, Phần Lan và Thụy Điển đã quyết định từ bỏ chính sách "không liên kết quân sự" thực thi lâu nay khi nộp đơn xin gia nhập NATO.

Tuy nhiên, nỗ lực của hai nước Bắc Âu vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cáo buộc cả hai nước này chứa chấp những đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cụ thể là các tay súng người Kurd và những người bị buộc tội liên quan vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Hiện đã có 28/30 thành viên NATO đồng ý để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này. Hai nước hiện chưa đồng ý là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục