Thủy điện Sông Lô 2: Dự án được thi công bất chấp rủi ro môi trường?

Mặc dù chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM điều chỉnh bổ sung, nhưng dự án thủy điện Sông Lô 2, tại tỉnh Hà Giang vẫn ngang nhiên thi công, bất chấp rủi ro môi trường.
Thủy điện Sông Lô 2: Dự án được thi công bất chấp rủi ro môi trường? ảnh 1Công trình thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: H.C/Vietnam+)

Mặc dù chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) điều chỉnh bổ sung, nhưng dự án thủy điện Sông Lô 2, tại tỉnh Hà Giang vẫn được rốt ráo thi công, bất chấp việc công trình xây dựng không đúng quy trình, thiếu ĐTM…có thể sẽ gây ra sự cố môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước và tính mạng của người dân hạ lưu.

Vừa xây dựng vừa lo ĐTM?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án thủy điện Sông Lô 2 (công suất thiết kế 28 MW), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, cách trung tâm tỉnh Hà Giang khoảng 15 km. Dự án này khởi công từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Dự án thủy điện Sông Lô 2 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 3367/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 và điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 421/QĐ-UBND ngày 29/01/2010. Ngày 13/1/2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chính thức phê duyệt báo cáo ĐTM dự án.

Tuy nhiên, do công trình có sự thay đổi, điều chỉnh quy mô - công suất thiết kế (từ 27 MW lên 28 MW) nên theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại ĐTM, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt mới được triển khai thi công. Vậy nhưng, từ năm 2015 đến nay, dự án vẫn thi công theo ĐTM cũ do Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

[Quy hoạch thủy điện Việt Nam: "Quản lý kém nên có rất nhiều lỗ hổng"]

Theo quy định tại khoản a và khoản b, Điều 13 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, chủ đầu tư cần thực hiện ĐTM bổ sung nếu có thay đổi về địa điểm, quy mô, công suất thiết kế, công nghệ; hoặc sau 2 năm kể từ ngày báo cáo ĐTM được phê duyệt, dự án mới triển khai thực hiện.

Tại Điểm d, khoản 1, Điều 28 Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước, cũng nêu rõ: Các dự án khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp giấy phép Tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Căn cứ vào Phụ lục III, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, cơ quan có thẩm định, phê duyệt ĐTM của thủy điện Sông Lô 2 là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng tại Văn bản số 671/UBND-CNGTXD ngày 6/3/2015, do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn ký ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang lại chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình (chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Lô 2) tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã đề ra trong ĐTM được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 13/1/ 2010, không phải lập lại ĐTM.

Điều đáng nói là quy định về việc chủ đầu tư phải lập ĐTM bổ sung tiếp tục được giữ nguyên tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 (Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường), song Văn bản số 671/UBND-CNGTXD ngày 6/3/2015 (phê duyệt sau Nghị định) của Ủy ban Nhân dân tỉnh vẫn chấp thuận cho chủ đầu tư thực hiện theo ĐTM cũ dựa trên đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang.

Thừa nhận thực trạng nêu trên, ông Lê Vũ Thức, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Lô 2 cho biết, theo quy định, Thủy điện Sông Lô 2 khi điều chỉnh sẽ phải trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM điều chỉnh bổ sung. Hiện nay, ĐTM của dự án vẫn đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

“Tuy nhiên, việc làm ĐTM rất khó khăn, giờ các dự án cả nước dồn về Bộ Tài nguyên và Môi trường làm hết... Hiện tại, dự án mình vẫn đang triển khai thi công bình thường theo ĐTM cũ, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã có Văn bản cho phép không phải lập lại ĐTM,” ông Thức nói.

Thủy điện Sông Lô 2: Dự án được thi công bất chấp rủi ro môi trường? ảnh 2Văn bản số 671/UBND-CNGTXD của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chấp thuận cho chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2 không phải lập lại ĐTM. (Ảnh: H.V/Vietnam+)


Kiến nghị dừng thi công

Thực tế trên đặt ra câu hỏi, tại sao Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang lại chấp thuận cho chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2 triển khai thi công khi ĐTM điều chỉnh bổ sung vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt? Nếu chiểu theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, thì việc triển khai thi công thủy điện này đúng hay sai?

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Nhu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho hay: “Thủy điện Sông Lô 2 trước đây đã có ĐTM rồi, nhưng do đang thi công thì điều chỉnh dự án, mà điều chỉnh dự án thì phải làm lại ĐTM. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị chủ đầu tư làm quá muộn, trong khi thủy điện xây dựng sắp xong rồi.”

“Về việc này, tôi sẽ có ý kiến thống nhất với Sở Công Thương để Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý. Trên quan điểm về quản lý nhà nước thì tôi đồng tình là phải dừng thi công,” ông Nhu nói thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2017, các hạng mục của công trình Thủy điện Sông Lô 2 về cơ bản đã hoàn thiện, đê bao hai bên bờ sông đang được thi công. Dự kiến tháng 9/2017, nhà máy sẽ phát điện và hòa lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn đang gấp rút hoàn thiện ĐTM nhằm “hợp thức hóa” các thủ tục triển khai.

[“Vỡ trận quy hoạch" thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc]

Trước đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định: “Hiện nay trong quá trình thực hiện có một số thủy điện đang hoàn thiện thủ tục. Quan điểm của tỉnh là tất cả thủy điện dưới 5 MW gạt ra khỏi quy hoạch, những thủy điện lớn đã xây dựng hết. Riêng với những nhà máy đã vận hành thì yêu cầu vận hành đúng, còn những nhà máy đang xây dựng phải làm đúng ĐTM.”

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho rằng việc các công trình thủy điện Sông Lô 2 xây dựng từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có ĐTM phê duyệt bổ sung của Bộ Tài nguyên và Môi trường là việc làm trái pháp luật.

“Đây là hành vi gian lận, cố tình vi phạm cần phải xử phạt nghiêm khắc. Tất nhiên, trong việc này cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương,” ông Tứ nói.

Qua thực tế nêu trên, ông Tứ kiến nghị Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang rà soát, kiên quyết xử lý công trình thủy điện vi phạm. Thậm chí yêu cầu dừng hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng, để đảm bảo chất lượng việc thi công công trình, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường../.

Thủy điện Sông Lô 2: Dự án được thi công bất chấp rủi ro môi trường? ảnh 3Công trình thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang đang được thi công rốt ráo. (Ảnh: H.C/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục