Thụy Điển lo ngại hậu quả của các cuộc biểu tình đốt kinh Koran

Theo đánh giá của Cơ quan An ninh Quốc gia Thụy Điển, nước này đã bị chuyển “từ mục tiêu tiềm tàng… thành mục tiêu ưu tiên” của các âm mưu tấn công khủng bố sau các vụ đốt kinh Koran ở Copenhagen.
Thụy Điển lo ngại hậu quả của các cuộc biểu tình đốt kinh Koran ảnh 1Đối tượng Salwan Momika đốt kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6. (Ảnh: EPA)

Ngày 27/7, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ "vô cùng quan ngại" về những hậu quả nếu tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình, trong đó có hành vi báng bổ bản sao cuốn kinh Koran.

Trả lời phỏng vấn hãng tin TT của Thụy Điển, Thủ tướng Kristersson nhấn mạnh nước này đã bổ sung một số quy định liên quan việc cho phép thực hiện hành vi trên.

Ông lưu ý: "Nếu họ (người biểu tình) được phép, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số ngày có nguy cơ rõ ràng sẽ xảy ra điều gì đó nghiêm trọng. Tôi vô cùng lo lắng về hệ lụy từ những gì mà hành vi này."

Chính phủ Thụy Điển đã nhiều lần chỉ trích việc người biểu tình đốt kinh Koran ở Stockholm, gọi đây là hành động "bài Hồi giáo."

Trong bối cảnh tình hình an ninh Thụy Điển phải đối diện với nhiều nguy cơ sau vụ đốt kinh Koran, Chính phủ Thụy Điển ngày 27/7 đã chỉ thị 15 cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong một tuyên bố trên Instagram, Thủ tướng Kristersson nêu rõ: “Những sự kiện mang tính phá hoại gần đây, đặc biệt là các vụ biểu tình và đốt phá khác nhau, đã làm gia tăng nguy cơ cho Thụy Điển.”

Theo đánh giá của Cơ quan An ninh Quốc gia Thụy Điển, nước này đã bị chuyển “từ mục tiêu tiềm tàng… thành mục tiêu ưu tiên” của các âm mưu tấn công khủng bố.

Thủ tướng Kristersson nhấn mạnh để đối phó với tình hình hiện nay, 15 cơ quan chính phủ - bao gồm quân đội Thụy Điển và các đơn vị thực thi pháp luật - được giao nhiệm vụ “tăng cường công việc” dưới sự chỉ đạo của cơ quan tình báo nước này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer khẳng định biện pháp nêu trên nhằm tăng cường khả năng “chống, chặn và xử lý chủ nghĩa khủng bố cùng các hình thức cực đoan khác” ở quốc gia Bắc Âu.

Bộ Ngoại giao Thụy Điển hồi đầu tháng 7 năm nay nhấn mạnh "cực lực lên án hành động đó," đồng thời khẳng định hành vi này không phản ánh quan điểm của Chính phủ Thụy Điển.

[Ngoại trưởng Thụy Điển lấy làm tiếc về hành vi báng bổ kinh Koran]

Hôm 26/7, Thủ tướng Kristersson cảnh báo nước này đang là mục tiêu của các chiến dịch thông tin sai lệch vốn lợi dụng làn sóng biểu tình phản đối các vụ đốt kinh Koran gần đây.

Trong một tuyên bố trên Instagram, Thủ tướng Kristersson viết: “Thụy Điển hiện là mục tiêu của các chiến dịch gây ảnh hưởng với mục đích gây tổn hại Thụy Điển cũng như những lợi ích của nước này.”

Theo ông, những vụ đốt các bản sao kinh Koran gần đây xảy ra trùng khớp với “tình hình an ninh bất ổn” tại Thụy Điển.

Sau đó, những vụ việc này lại được lan truyền một cách sai lệch, thậm chí còn kèm theo lời kêu gọi gây tổn hại Thụy Điển.

Trong ngày 27/7, Bộ Ngoại giao Ai Cập tuyên bố đã triệu Đại sứ Đan Mạch về các vụ đốt kinh Koran gần đây.

Năm nhà hoạt động chống Hồi giáo đã đốt một cuốn kinh Koran trước Đại sứ quán Ai Cập ở Copenhagen hôm 25/7. Đây là vụ thứ ba như vậy ở Đan Mạch trong vòng chưa đầy một tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục