Sáng 20/12, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu, vượt tiến độ sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ ngành liên quan và đại diện chính quyền, nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương chủ đầu tư, các cấp chính quyền và nhân dân các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, các nhà thầu tư vấn, thi công, cung cấp thiết bị hết sức nỗ lực, cố gắng hoàn thành công trình Thủy điện Lai Châu vượt kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng khẳng định Công trình Thủy điện Lai Châu là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực và tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của chủ đầu tư và các đơn vị trên công trường. Công trình thực sự trở thành biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong công tác quản lý và thiết kế, đưa những công nghệ tiên tiến xây dựng công trình thuỷ điện của thế giới ứng dụng trong công trình Thủy điện Lai Châu.
Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La-Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đề xuất các giải pháp hợp lý, hiệu quả đối với các cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thành công trình vượt tiến độ.
Theo tính toán, trong giai đoạn 10 đến 20 năm tới, hàng năm Việt Nam cần thiết phải bổ sung từ 5.000-7.000 MW công suất nguồn điện mới.
Để thực hiện được những mục tiêu này cũng như đảm bảo hiệu quả, an toàn tuyệt đối trong quản lý, vận hành nhà máy Thủy điện Lai Châu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương và EVN tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, chú trọng nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước nhằm đảm bảo cơ cấu điện năng hợp lý, đáp ứng đầy đủ, ổn định nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu EVN, Công ty thủy điện Sơn La (đơn vị được giao tiếp quản nhà máy) tổ chức vận hành công trình Thủy điện Lai Châu an toàn, khoa học, đạt hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, trong quá trình vận hành nhà máy, cần tuân thủ tuyệt đối các quy trình vận hành liên hồ chứa để phát huy hiệu quả điều tiết lũ, điều tiết nước hợp lý cho vùng hạ du, đảm bảo nước tưới cho nông nghiệp.
Đối với các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu và Điện Biên, Phó Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường xuyên chăm lo, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc vùng dự án.
Đặc biệt chú trọng đến sinh kế lâu dài, bền vững, giao đủ đất sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người dân tái định cư; đồng thời, chăm lo giáo dục, đào tạo, từng bước đáp ứng toàn diện nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.
Tại buổi lễ, ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN cho biết, Dự án Thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình.
Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho Đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Theo ông Đặng Hoàng An, công trình Thủy điện Lai Châu cũng là công trình ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện, ngành lắp máy của Việt Nam.
Đây là công trình thủy điện đa mục tiêu mang tầm vóc quốc gia đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát và quản lý vận hành.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy điện Sơn La, ông Phạm Hồng Phương cho biết, thi công dự án thành phần xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu là Tổ hợp nhà thầu do Tổng công ty Sông Đà làm Tổng thầu gồm các nhà thầu thành viên: Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Đơn vị tư vấn giám sát phần xây dựng do Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La thực hiện có sự hỗ trợ của hãng Fichtner (Đức); đơn vị giám sát lắp đặt thiết bị là Công ty Thủy điện Sơn La.
Theo ông Phương, đập bêtông đầm lăn Thủy điện Lai Châu có khối lượng gần 1,9 triệu m3; chiều cao đập lớn nhất 137m, tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20 m/tháng, lớn nhất 27,9 m/tháng. Đây là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới.
Việc thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, do đó đã sớm tích nước hồ chứa đem lại hiệu ích phát điện cho các nhà máy Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.
Cung cấp thiết bị chính cho nhà máy gồm: Thiết bị cơ điện do Liên danh HZN/ALSTOM cung cấp; Máy biến áp 500kV do Hãng TBEA cung cấp; Trạm GIS 500 kV do hãng NHVS cung cấp.
Các thiết bị cơ khí thủy công phần lớn do các nhà thầu trong nước gia công, chế tạo (thiết bị cửa nhận nước do Liên danh nhà thầu MIE, AGRIMECO, NARIME thực hiện; đường ống áp lực do Liên danh Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung (CEMC) và Công ty Cổ phần Cơ khí Điện lực (PEC) chế tạo, cầu trục các loại do Liên danh Công ty Cổ phần Cơ khí Hồng Nam và Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo và cung cấp.
Dự án Thủy điện Lai Châu đóng cống dẫn dòng và tích nước hồ chứa vào ngày 20/6/2015; Phát điện tổ máy 1 ngày 14/12/2015; tổ máy 2 vào ngày 20/6/2016 và tổ máy 3 vào ngày 9/11/2016.
Công trình Thủy điện Lai Châu được khánh thành cũng là thành tích chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2016).
Nhân dịp này, Bộ Xây dựng đã trao tặng Huy chương vàng và Bằng chứng nhận giải thưởng Công trình chất lượng cao năm 2016 cho công trình Nhà máy Thủy điện Lai Châu./.