Vào đầu tháng 7, quốc gia Bắc Âu Thụy Điển đã đưa ra một đạo luật mới mang tính đột phá, đó là cho phép ông bà được hưởng các chế độ đãi ngộ như nhận lương, nghỉ phép nếu tham gia vào việc chăm sóc cháu trong thời gian 3 tháng đầu tiên khi đứa bé chào đời.
Dịch vụ chăm sóc trẻ em không hề rẻ. Theo một nghiên cứu gần đây, phí chăm sóc em bé ở Anh đã tăng gần 6% chỉ sau một năm, trong đó phí chăm trẻ dưới 2 tuổi là gần 15.000 bảng mỗi năm. Ở Mỹ, chi phí này cũng khá đắt đỏ. Khoản để gửi một đứa con vào nhà trẻ chiếm tới 32% thu nhập của một người bố hoặc mẹ.
Tại Thụy Điển, mức lương trung bình cho một nhân viên chăm sóc trẻ em là 275.050 krona (tương đương với 26.000 USD) một năm và 132 krona (tương đương với 12USD) một giờ ở Thụy Điển, một chi phí cũng ở mức tương đối cao. Vì vậy, nhiều cặp cha mẹ trẻ đã lựa chọn gửi con cho ông bà chăm sóc thay vì đưa con tới trường.
Do đó, để hỗ trợ các bậc cha mẹ chăm sóc con cái, Vào tháng 12/2023, quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn đề xuất của chính phủ nước này về việc chuyển tiền trợ cấp cho ông bà.
Và từ 50 năm trước, đất nước vùng Scandinavi này cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chế độ nghỉ phép có lương khi sinh con cho cả bố và mẹ chứ không chỉ dành cho các bà mẹ.
Theo luật mới, bố mẹ của đứa trẻ có thể chuyển một phần tiền trợ cấp nghỉ phép của mình cho ông bà. Theo cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, một cặp vợ chồng có thể chuyển tối đa 45 ngày cho người khác, trong cha hoặc mẹ đơn thân có thể chuyển 90 ngày.
Quốc gia 10 triệu dân này vốn nổi tiếng với hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt dựa trên thuế, và trải qua nhiều năm, các thế hệ người Thụy Điển đã góp sức xây dựng nên một xã hội nơi công dân được chăm sóc kể từ khi sinh ra cho đến lúc qua đời.
Tại Thụy Điển, bạn có quyền nghỉ làm hoàn toàn khi con bạn chào đời. Bố mẹ được hưởng trợ cấp trong vòng 480 ngày, tương đương với khoảng 16 tháng, cho mỗi đứa trẻ. Trong đó, 390 ngày đầu họ được hưởng toàn bộ thu nhập, còn 90 ngày còn lại được hưởng số tiền cố định là 180 kronor, tương đương với 17 USD, mỗi ngày.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ ở Thụy Điển còn được hưởng nhiều lợi ích khác như có thể giảm giờ làm cho đến khi đứa trẻ được 8 tuổi, các nhân viên chính phủ thậm chí còn được giảm giờ làm cho đến khi đứa con tròn 12 tuổi.
Với nhiều chính sách hỗ trợ sinh sản, sự ổn định trong kinh tế xã hội, cũng như sự thay đổi lối sống, Thụy Điển cũng như nhiều quốc gia Bắc Âu khác đang ghi nhận hiện tượng ngày càng nhiều phụ nữ sinh con ở tuổi ngoài 40.
Cơ quan Thống kê Thụy Điển cho hay, có 537 trẻ em được các bà mẹ trên 45 tuổi sinh trong năm 2022, trong khi đó cùng năm có 410 ca sinh của các bà mẹ từ 19 tuổi trở xuống.
Theo Alexandra Wallin, thuộc Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, các quy tắc dành cho ông bà cũng giống như các trợ cấp thông thường đối với bố mẹ, trong đó yêu cầu một người phải được bảo hiểm để nhận trợ cấp.
Bên cạnh đó, những ông bà đã về hưu cũng có thể hưởng trợ cấp để trông cháu. Trong trường hợp này, bởi vì đã nghỉ hưu, khoản trợ cấp sẽ được trả dựa trên lương hưu của người đó. Và người này phải đảm bảo không làm việc hoặc học tập trong thời gian này.
Tại thị trấn trung tâm Avesta, cách thủ đô Stockholm khoảng 140km về phía tây bắc, người phụ nữ có tên là Ritva Kärkkäinen cho biết bà đang cân nhắc nghỉ việc để chăm sóc các cháu.
Vào năm 1974, Thụy Điển đã thay thế chế độ nghỉ thai sản chỉ dành cho phụ nữ bằng chế độ nghỉ cho cả bố và mẹ. Vào thời điểm đó, luật pháp quy định mỗi cặp cha mẹ được nghỉ phép tổng cộng 6 tháng khi sinh một đứa con.
Và mặc dù các chính sách hỗ trợ sinh con của Bắc Âu rất tốt, nhưng tỷ lệ sinh của khu vực này vẫn tiếp tục giảm, ngoại trừ những năm diễn ra đại dịch COVID-19. Và bất chấp những giả thuyết về các biện pháp tránh thai, nguyên nhân thực sự của tình trạng này được cho là vẫn còn "trong vòng bí ẩn"./.
Bố mẹ 8X, 9X bị chỉ trích "quá vụ lợi" khi muốn ông bà phải trông cháu
Nhiều cặp cha mẹ trẻ thường lựa chọn gửi con cho ông bà chăm thay vì đưa con tới trường. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ 8X, 9X hiện nay đã gặp phải cú sốc khi bị ông bà yêu cầu trả tiền trông trẻ.