Thụy Điển đang chiến đấu chống tin tức giả như thế nào?

Thụy Điển vừa kỷ niệm 250 năm tự do báo chí. Nếu bạn nghĩ rằng truyền thống này sẽ giúp cho báo chí tại đây không gặp phải nạn tin tức giả, có thể bạn đã nhầm.
Thụy Điển đang chiến đấu chống tin tức giả như thế nào? ảnh 1Trang web Politisk Inkorrekt với khẩu hiệu "không gì ngoài sự chính xác về chính trị" lại đăng tin giả.

Thụy Điển vừa kỷ niệm 250 năm tự do báo chí. Nếu bạn nghĩ rằng truyền thống này sẽ giúp cho báo chí tại đây không gặp phải nạn tin tức giả, có thể bạn đã nhầm.

Theo Ehsan Fadakar, nhà báo phụ trách chuyên mục truyền thông xã hội của tờ báo Aftonbladet, Thụy Điển đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại những phát ngôn thù ghét và tình trạng chia sẻ những thông tin sai lệch về nhập cư.

Từ lâu, Thụy Điển đã là một điểm đến phổ biến với người nhập cư. Số lượng đơn xin tị nạn tại Thụy Điển đã tăng gấp đôi từ năm 2014 sang năm 2015, đạt hơn 160.000 - và khoảng một nửa trong số này được chấp nhận.

Tuy nhiên, ở Đức, hoạt động nhập cư đang gây ra nhiều sự giận dữ và bất bình, và kéo theo đó là sự xuất hiện của nhiều nhóm dân tộc chủ nghĩa tại quốc gia này.

Dưới đây là bốn điều cần biết về tình hình tin tức giả ở Thụy Điển:

Các nhà xuất bản tin tức có mối quan hệ trực tiếp với độc giả

Thụy Điển là một quốc gia nhỏ với dân số 10 triệu người, bốn tờ báo quốc gia, và mạng lưới truyền hình và truyền thanh thuộc sở hữu đại chúng công khai.

Với môi trường truyền thông tương đối nhỏ, mọi người có mối quan hệ chặt chẽ với các thương hiệu. Do các gói cước dữ liệu di động ngày càng rẻ hơn, việc đầu tư sớm vào ứng dụng và các trang web hỗ trợ truy cập di động, người dùng tại Thụy Điển ngày càng dễ đăng ký theo dõi từ các nhà xuất bản tin tức. Điều đó cũng có nghĩa là có ít truy cập để đọc tin tức từ Facebook hơn so với ở Mỹ.

Theo Schibsted, công ty mẹ của tờ báo Aftonbladet và nhật báo Svenska Dagbladet, 90% độc giả đọc báo trực tuyến hàng ngày của họ truy cập trực tiếp vào trang web hoặc qua ứng dụng. Sự lây lan của các câu chuyện tin tức giả mạo trên Facebook không tăng mạnh như ở các quốc gia khác.


Nỗ lực phá vỡ bong bóng bộ lọc của Facebook

Ngay cả như vậy, kiểm soát lượng tin tức giả trên Facebook vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Mạng xã hội này đang bị chỉ trích vì đã không nỗ lực hết sức để xử lý vấn đề kể trên. Các công cụ được sử dụng tại Mỹ và Đức đều phụ thuộc vào việc người dùng báo cáo vấn đề. Ở Đức, Facebook đã thuê các tổ chức kiểm tra bên thứ ba để tìm giải pháp.

Tháng Chín vừa qua, một trang web mới gọi là Politisk Inkorrekt với khẩu hiệu "không gì ngoài sự chính xác về mặt chính trị" đã đăng một tin là Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đang sở hữu một chiếc đồng hồ cực kỳ đắt tiền.

Trên Facebook, câu chuyện đã đạt được khoảng 1.000 lượt chia sẻ và 2.000 phản ứng. Sau khi điều tra, Aftonbladet phát hiện ra đó chỉ là một món quà và không đáng giá đến mức như trang web trên đã viết. Aftonbladet sau đó đã bỏ ra từ 3.000-4.000 krona Thụy Điển (340-450 USD) để mở rộng câu chuyện, nhắm mục tiêu vào những người đã bình luận về tin tức giả.

"Đó là một cách làm đắt đỏ," Ehsan Fadakar, cây bút phụ trách mục truyền thông xã hội của tờ báo cho biết. "Nhưng Aftonbladet là một nhà xuất bản tin tức Thụy Điển nổi tiếng trên Facebook. Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ mọi người khỏi tin tức giả."

Tiếp tục phân biệt giữa thực và giả

Những nội dung được đăng tải lên Facebook thường thiếu ngữ cảnh - không phải lúc nào cũng có thể biết rõ một phát ngôn nào đó là ý kiến, phân tích hay tin tức - và các nhà xuất bản tin tức đang suy nghĩ về nhiều cách nhằm giúp tin tức thật dễ nhận diện hơn.

Một tờ nhật báo ở Thụy Điển đã bắt đầu đăng chú thích rằng các ý kiến được nêu không phản ánh quan điểm của tờ báo. Một tờ báo khác của Thụy Điển là Expressen lại gắn thêm hai đường dẫn ở cuối mỗi tin bài, một đề nghị mọi người chỉ ra bất cứ điểm không chính xác so với thực tế của bài viết, một để báo cáo các vấn đề liên quan đến bài viết với những người quản lý báo chí là thanh tra báo chí.

"Đó là một cách để cho thấy tờ báo có đạo đức nghề nghiệp hay không," Anna Gullberg, tổng biên tập tờ báo địa phương MittMedia cho biết. "Nhiều nhà xuất bản tin tức khác cũng đã sẵn sàng đi theo con đường này."

"Có một số cuộc thảo luận rằng mọi trang web đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí cần được chứng nhận," Thomas Eriksson, trưởng bộ phận nội dung kỹ thuật số của nhà xuất bản Egmont Publishing ở Thụy Điển nhận định. "Đó là một ý tưởng khá hay và thú vị, khi đó độc giả có thể nói được ngay là tin tức từ đâu ra."

Các nhóm Facebook giả

Theo Fadakar, chiến thuật phổ biến của các nhóm cánh hữu trên Facebook là mở các trang có tên dễ gây hiểu nhầm, ví dụ như "Hỗ trợ cho cảnh sát Thụy Điển," để thu hút người theo dõi.

"Đương nhiên, tất cả mọi người đều hỗ trợ cho cảnh sát Thụy Điển, nhưng khi bạn nhìn vào những trang mà các nhóm này chia sẻ, bạn sẽ thấy chúng thực sự được ai điều hành. Chúng có thể thu hút tới 400.000 người theo dõi mới. Mọi người có thể bỏ theo dõi khi họ phát hiện ra sự thật, nhưng hầu như không ai muốn thừa nhận sai lầm của mình"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục