Thủy điện được coi là xương sống trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam khi vừa cung cấp điện năng lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, vừa phát huy các hiệu quả tổng hợp như cấp nước, chống lũ, giảm lũ, tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản...
Tuy nhiên, với những chính sách khuyến khích của Chính phủ, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã được đưa vào xây dựng và vận hành.
Mặc dù bổ sung một lượng lớn nguồn điện cho phát triển kinh tế-xã hội song nguồn điện này cũng tạo ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống điện.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn thủy điện có thể được tiếp tục khai thác còn rất lớn trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Có thể tiếp tục mở rộng
Theo Quy hoạch Điện VIII, định hướng tới năm 2030, tổng công suất các nguồn thủy điện, bao gồm cả thủy điện nhỏ dự kiến đạt 29.346MW, sản xuất 101,7 tỷ kWh; đến năm 2050, tổng công suất nguồn thủy điện dự kiến đạt hơn 36.000MW, sản xuất hơn 114 tỷ kWh/năm.
Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất các nguồn thủy điện đạt gần 23.000MW và sản lượng điện đạt hơn 80 tỷ kWh.
Theo các chuyên gia năng lượng, với nguồn thủy điện dồi dào, Việt Nam có thể tiếp tục khai thác tối đa với tổng công suất đạt từ 30.000-38.000MW và điện năng có thể khai thác lên đến 120 tỷ kWh/năm. Đây là nguồn công cụ hoàn hảo, đáng tin cậy do khả năng phát điện linh hoạt.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia năng lượng, với chi phí vận hành thấp, các nhà máy thủy điện là nguồn linh hoạt, hợp lý nhất hiện nay trong hệ thống điện Việt Nam.
Đặc biệt, với các công nghệ lưu trữ như thủy điện tích năng và pin lưu trữ trong tương lai sẽ bổ sung, hỗ trợ nhau trong hệ thống điện.
Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2023 sẽ tiếp tục xây dựng 13 công trình thủy điện đã được quy hoạch và tiếp tục nghiên cứu phát triển nhà máy thủy điện lòng sông.
Đối với các con sông có độ dốc không lớn, có thể phát triển loại hình nhà máy thủy điện lòng sông với cột nước thấp. Tuy nhiên, hiện các nhà máy thủy điện cột nước thấp chưa được triển khai xây dựng nhiều, đây có thể xem là tiềm năng để tiếp tục khai thác trong tương lai.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, cho rằng việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện đang vận hành sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên nước của con sông.
Mặt khác, các nhà máy thủy điện khi được mở rộng sẽ cung cấp thêm một phần năng lượng đáng kể và nâng cao chất lượng điện cho hệ thống. Cùng đó, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Cũng theo các chuyên gia đối với tác động môi trường, các dự án thủy điện mở rộng không làm tăng tác động xấu đến môi trường do không thay đổi hiện trạng quy mô đập dâng và phạm vi hồ chứa.
Hiện nay, EVN đã mở rộng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ thêm 75MW (đưa vào vận hành năm 2017) và Thủy điện Đa Nhim mở rộng thêm 80MW (đưa vào vận hành năm 2018).
Còn với dự án Thủy điện Ialy mở rộng thêm 360MW đang thi công, phấn đấu năm nay đưa vào vận hành và dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng thêm 480MW đang nỗ lực phấn đấu với mức cao nhất nhằm đưa công trình vào vận hành trong năm 2025.
Theo chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoạch, với 41 nhà máy thủy điện lớn có quy mô công suất từ 100 MW trở lên với tổng công suất lắp đặt là 14.330MW có khả năng mở rộng, tiềm năng còn lại là rất lớn.
Thủy điện hạ lưu và tích năng
Việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo hiện có của Việt Nam.
Trên thế giới hiện nay, nhiều nước đang tận dụng nguồn nước sẵn có từ các hồ thủy lợi để bố trí nhà máy thủy điện phía hạ lưu đập nhằm khai thác triệt để nguồn thủy năng nhân tạo này.
Cả nước có hơn 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi đang vận hành, với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp... Đây cũng là lợi thế lớn nếu Việt Nam có thể tận dụng khai thác, xây dựng các nhà máy thủy điện sau đập từ các hồ thủy lợi hiện đang vận hành.
Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoạch cho rằng cần khảo sát tất cả các hồ thủy lợi, xác định những hồ thủy lợi nào có thể xây dựng các nhà máy thủy điện phía sau đập dâng nhằm tăng thêm nguồn điện linh hoạt cho hệ thống.
Với thủy điện tích năng, ông Nguyễn Huy Hoạch cũng cho biết thêm, các dự án này không làm tăng thêm sản lượng điện mà nhiệm vụ chính là làm giảm sự chênh lệch biểu đồ phụ tải bằng việc huy động công suất bơm tích nước ở giờ thấp điểm và phát điện ở giờ cao điểm. Đây cũng là loại hình được sử dụng phổ biến trên thế giới.
Theo đánh giá của vị chuyên gia này, tiềm năng khai thác thủy điện tích năng của Việt Nam có 9 địa điểm có thể xây dựng, khai thác với tổng công suất 12.500MW.
Công trình Thủy điện tích năng Bác Ái công suất 1.200MW là nhà máy đầu tiên đã được khởi công xây dựng đầu năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ có 2.700MW công suất từ thủy điện tích năng, với hệ thống pin lưu trữ, công suất sẽ tăng lên 39.700MW vào năm 2050...
Với tỷ trọng năng lượng tái tạo được đưa vào ngày càng lớn nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải, thì việc khai thác tối đa và hiệu quả các loại hình thủy điện là giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá có thể giúp dự phòng công suất phát, ổn định hệ thống, điều chỉnh tần số. Đây cũng là công cụ giúp điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn tin cậy./.