Trong một nỗ lực nhằm khai thông bế tắc ngoại giao kể từ khi ông này xin tị nạn tại đại sứ quán này từ tháng 6/2012, ngày 14/11, cơ quan tư pháp Thụy Điển đã bắt đầu tiến hành thẩm vấn nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh).
Trưởng công tố Thụy Điển Ingrid Isgren đã tới Đại sứ quán Ecuador ở London và cuộc thẩm vấn diễn ra dưới sự chủ trì của công tố viên Ecuador.
Luật sư người Thụy Điển Per Samuelsson, đại diện cho ông Assange, thông báo cuộc thẩm vấn có thể kéo dài trong vài ngày. Cơ quan tư pháp Thụy Điển cho biết trong trường hợp ông Assange chấp nhận cho lấy mẫu ADN, sẽ không có bất cứ tuyên bố công khai nào sau khi thẩm vấn.
Từ tháng 6/2012, ông Assange đã chạy vào Đại sứ quán Ecuador tại London để tránh bị Anh dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục, điều mà ông luôn bác bỏ. Ngoài ra, Assange cũng lo sợ sau vụ kiện trên, ông sẽ bị chính quyền Thụy Điển dẫn độ sang Mỹ để xét xử tội danh tiết lộ các bí mật quốc gia của Mỹ. Trong trường hợp bị dẫn độ tới Mỹ, ông này có thể đối diện với mức án tù chung thân, thậm chí sẽ bị tử hình.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi bị truy bắt, ông Assange, 45 tuổi, có thể đưa ra ý kiến cá nhân về những cáo buộc chống lại ông này trước cơ quan tư pháp Thụy Điển.
Được sáng lập năm 2006 và đưa vào hoạt động một năm sau đó, trang mạng WikiLeaks đã tiết lộ các bí mật như hoạt động tại nhà tù của Mỹ ở Vịnh Guantanamo cũng như công bố hàng chục nghìn tài liệu quân sự nội bộ Mỹ liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, miêu tả chi tiết các vụ tra tấn và giết hại người dân.
Binh sỹ Mỹ Bradley Manning đã bị bắt giữ sau khi được xác định là người cung cấp thông tin cho WikiLeaks và đang phải chịu án 35 năm tù giam vì vi phạm Đạo luật Tình báo.
Trong cuộc bầu cử ở Mỹ vừa qua, Wikileaks đã công bố ba bài phát biểu của bà Hillary Clinton được ngân hàng Goldman Sachs tài trợ, hé lộ mối quan hệ giữa ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ với các ông lớn trên phố Wall trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn nước rút.
Trang mạng này cũng tung ra 33.000 thư điện tử chứa các cuộc trao đổi của John Podesta, trợ lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, từ nhiều năm trước và trong tháng trước. Nội dung các tài liệu được Wikileaks công bố làm ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh của bà Clinton.
Hồi tháng Hai vừa qua, Nhóm Công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc đưa ra quyết định yêu cầu Thụy Điển và Anh không được bắt ông Assange và phải trả tự do ngay lập tức cho ông này./.