Thụy Điển cấy ghép thành công tử cung cho 9 phụ nữ

Các nhà khoa học thuộc Đại học Gothenburg (Thụy Điển) vừa thông báo đã cấy ghép thành công tử cung cho 9 phụ nữ.
Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới thực hiện ca cấy ghép tử cung chụp ảnh bên cạnh chồng mình. (Nguồn: AFP-TTXVN)

Các nhà khoa học thuộc Đại học Gothenburg (Thụy Điển) vừa thông báo đã cấy ghép thành công tử cung cho 9 phụ nữ, mang lại hy vọng cho những phụ nữ kém may mắn khi sinh ra đã không có tử cung hay phải cắt bỏ do bệnh tật.

Giáo sư Mats Brannstrom, trưởng nhóm nghiên cứu trên, cho biết chỉ sau phẫu thuật vài ngày, những bệnh nhân được cấy ghép tử cung do chính mẹ và người thân của họ hiến tặng, đều đã xuất viện và trong tình trạng sức khỏe tốt.

Sau phẫu thuật 6 tuần, đa số bệnh nhân đã có chu kỳ kinh nguyệt, dấu hiệu cho thấy tử cung được cấy ghép khỏe mạnh và hoạt động tốt. Mặc dù các bác sỹ ghi nhận có một số trường hợp đào thải nhẹ và viêm tử cung ở bệnh nhân được cấy ghép nhưng không có trường hợp nào nghiêm trọng cần tới chăm sóc đặc biệt.

Các ca phẫu thuật cấy ghép này không kết nối tử cung của những phụ nữ trên với ống dẫn trứng của họ nên họ không thể thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, những người nhận tử cung đều có buồng trứng riêng, có thể tạo ra trứng.

Trước ca phẫu thuật, trứng của những người này đã được lấy ra để tạo ra phôi thông qua thụ thai ống nghiệm. Sau đó, các phôi này sẽ được làm đông lạnh và dự kiến sau phẫu thuật vài tháng, các bác sỹ sẽ chuyển chúng sang các tử cung mới được cấy ghép, cho phép những người này có thể mang thai con đẻ của mình.

Giáo sư Brannstrom cho biết vào tháng Hai, ông và cộng sự sẽ tổ chức hội thảo đầu tiên về cấy ghép tử cung và sẽ công bố báo cáo khoa học về thành tựu trên.

Ông Brannstrom cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, nhóm nghiên cứu của ông có thể thực hiện chuyển phôi vào cơ thể những phụ nữ cấy ghép tử cung, giúp họ tự mang thai và sinh con.

Sau tối đa là hai lần mang thai, các tử cung cấy ghép sẽ được cắt bỏ và những phụ nữ nhận tử cung mới có thể ngừng sử dụng thuốc chống đào thải.

Trước đó, hai ca cấy ghép tử cung đầu tiên được thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011 và Saudi Arabia năm 2000, nhưng những người nhận tử cung mới không thể sinh con.

Cấy ghép tử cung đang gây tranh cãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu liên quan đến người hiến tặng còn sống và hậu quả bệnh tật do uống thuốc chống đào thải gây ra như bệnh cao huyết áp, béo phì, sưng tấy và nguy cơ dẫn đến một số bệnh ung thư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục