Thủy điện Cần Đơn không lâm vào nguy cơ xóa sổ

Để hiểu đúng vấn đề, TTXVN đăng lại bài viết trên website candon.com.vn: Phản hồi thông tin từ bài báo “Bức tử sông Đak Huýt…”
Ngày 22/7, TTXVN phát trên bản tin thời sự trong nước bài: “Bình Phước: Bức tử sông Đak Huýt, thủy điện Cần Đơn trước nguy cơ bị xóa sổ” được nhiều báo điện tử đăng lại, đã có không ít dư luận quan tâm đến nhà máy thủy điện Cần Đơn và đặt nhiều câu hỏi khi đề cập đến tuổi thọ của dự án.

Ngày 2/8, TTXVN đã nhận được thông tin phản hồi của Công ty Cổ phần thủy điện Cần Đơn thuộc Tập đoàn Sông Đà về nội dung bài viết nêu trên. Công ty bày tỏ rất đồng tình với việc phản ánh của bài viết về những tiêu cực của nạn chặt phá rừng bừa bãi hiện nay trên các khu rừng thượng nguồn của hồ thủy điện Cần Đơn.

Tuy nhiên, trong khi thể hiện bài viết đã cảnh báo “Thủy điện Cần Đơn trước nguy cơ xóa sổ” và phần kết luận của bài “… Thủy điện Cần Đơn cũng chỉ còn là một công trình của quá khứ, của hoài niệm, chứ không còn là nơi tự hào đóng góp một lượng điện năng đáng kể vào lưới điện quốc gia…” là suy luận chủ quan không chuẩn xác, có thể “gây sốc”, hiểu nhầm từ các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Công ty Cổ phần thủy điện Cần Đơn.

Để hiểu đúng vấn đề, theo đề nghị của Công ty Cổ phần thủy điện Cần Đơn, TTXVN đăng lại bài viết trên website candon.com.vn: Phản hồi thông tin từ bài báo “Bức tử sông Đak Huýt…”

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đăng bài báo "“Bức tử” sông Đak Huýt, thủy điện Cần Đơn trước nguy cơ xóa sổ." Để thêm thông tin cho độc giả và rộng đường dư luận, Công ty Cổ phần thủy điện Cần Đơn có một vài ý kiến làm rõ vấn đề trên như sau:

Công trình thủy điện Cần Đơn nằm ở bậc thang thứ hai khai thác năng lượng điện trên dòng Sông Bé, cách nhà máy Thủy điện Thác Mơ 49km theo đường sông về phía hạ lưu, thuộc các huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp tỉnh Bình Phước. Công trình có diện tích lòng hồ gần 36km2 và với diện tích lưu vực là 3.225km2, bao gồm hai nhánh sông, trong đó sông Đak Huýt có lưu vực gần 900km2 và phần còn lại có lưu vực hơn 2.000km2 là các nhánh sông ĐakGlun, ĐakNhar, ĐakRlap phía thượng nguồn của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ.

Dự án Thủy điện Cần Đơn đã được nghiên cứu, thiết kế và được đánh giá có tính khả thi rất cao đã được các Bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền phê duyệt. Chính phủ Việt Nam đã giao cho Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư và đây chính là dự án B.O.T đầu tiên của nhà nước đối với dự án thủy điện. Với đặc điểm về lịch sử, địa hình và địa lý như vậy, công trình thủy điện Cần Đơn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực miền Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có thông tin từ một số bài báo phản ánh vấn nạn chặt phá rừng đầu nguồn trên nhánh Sông Đak Huýt vô tình đã làm ảnh hưởng đến uy tín và nghi ngờ về tính bền vững của dự án. Việc phản ánh này gây ra những thông tin hiểu nhầm cho các nhà đầu tư, gây hoang mang trong dư luận, phủ nhận lại các nghiên cứu khả thi, tính khoa học của dự án đã được phê duyệt.

Chúng tôi, những người quản lý vận hành nhà máy thủy điện rất đồng tình với việc phản ánh của bài báo về những tiêu cực của nạn chặt phá rừng bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường và thượng nguồn hồ chứa Cần Đơn. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng này đối với hồ chứa Cần Đơn là không lớn, vì Đak Huýt chỉ là một trong những nhánh sông nhỏ trong lưu vực của dòng Sông Bé. Việc bồi lấp chỉ ảnh hưởng đến về mặt thời gian lượng nước về hồ Cần Đơn nhanh hơn và khả năng phòng lũ kém trong mùa mưa (việc này khi nghiên cứu dự án khả thi các nhà khoa học đã tính đến).

Mặt khác hồ Cần Đơn điều tiết theo tuần nên dù có bổ sung lượng nước về hồ từ nhánh này trong mùa mưa thì nhà máy cũng phải xả qua tràn vì dung tích hữu ích hồ chứa có hạn, còn trong mùa khô lưu lượng nước về từ nhánh sông này gần như không có. Nói chung, Nhà máy thủy điện Cần Đơn chủ yếu vẫn được điều tiết từ lưu lượng nước từ hồ chứa nhà máy thủy điện Thác Mơ.

Hiệu quả của dự án Cần Đơn đã thể hiện qua sáu năm đi vào vận hành, nhà máy đã cung cấp lên lưới điện quốc gia hơn 2 tỷ kWh điện thương phẩm. Đặc biệt năm vừa qua (năm 2009), nhà máy đạt được sản lượng kỷ lục trên 400 triệu kWh. Và tới thời điểm này, dù đang gặp khó khăn về tình hình thời tiết khô hạn trên diện rộng (không chỉ Cần Đơn mà hầu hết các hồ thủy điện trên cả nước đều cạn) thì Nhà máy vẫn đang bám sát mức sản lượng trung bình nhiều năm là 292 triệu kWh.

Bên cạnh đó, dự án cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cho 4.800ha đất nông nghiệp trong mùa khô cho các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh lấy từ hồ Cần Đơn vẫn đang được Chi cục Thủy lợi Bình Phước gấp rút hoàn thành đưa vào sử dụng. Nói cách khác, dự án Thủy điện Cần Đơn là dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần không nhỏ phục vụ lợi ích dân sinh trong khu vực.

Như vậy, về mặt đầu tư chúng tôi xin khẳng định dự án Thủy điện Cần Đơn là công trình đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư trung và dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục