Thủy cung nghiên cứu thông minh nhất trên thế giới

Ngày 1/8, Australia đã khai trương Trung tâm nghiên cứu biển quốc gia (Seasim) đặt tại thành phố Townsville ở phía Bắc nước này.
Ngày 1/8, Australia đã khai trương Trung tâm nghiên cứu biển quốc gia (Seasim) tại thành phố Townsville ở phía Bắc nước này.

Viện nghiên cứu Khoa học biển Australia (AIMS) - cơ quan chủ quản của SeaSim - cho rằng đây là thủy cung nghiên cứu "thông minh nhất thế giới,." nơi có thể mô phỏng hiện tượng ấm lên của đại dương và có thể tiến hành những nghiên cứu quan trọng về loài sao biển hình vương miện, "thủ phạm" đang tàn phá rặng san hô nổi tiếng Great Barrier của nước này.

Phát biểu tại lễ khánh thành trung tâm, Bộ trưởng Công nghiệp Australia Kim Carr khẳng định SeaSim sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các rặng san hô và vùng lãnh hải rộng lớn của nước này.

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu của AIMS Mike Hall, các nhà khoa học có thể điều chỉnh các thông số phức tạp trong thủy cung, kể cả nhiệt độ của nước, độ axít, độ mặn, ánh sáng, hàm lượng dinh dưỡng và chất lượng nước để tiến hành các thí nghiệm.

Các nhà khoa học sẽ tìm ra cơ chế khiến san hô bị mất màu tự nhiên và cách thức để rặng san hô có thể thích ứng với tình trạng nước biển ấm hơn và nhiều axít hơn bằng các nghiên cứu lâu dài được thực hiện trên quy mô lớn chưa từng có trước đây.

Theo người đứng đầu AIMS John Gunn, một trong những ưu tiên hàng đầu của Seasim là nghiên cứu xử lý loài sao biển vương miện đang tàn phá rặng san hô Great Barrier.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã cảnh báo rặng san hô Great Barrier của Australia có nguy cơ bị đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới bị đe dọa.

Trong vòng 27 năm qua, diện tích rặng san hô Great Barrier đã giảm một nửa, trong đó 42% thiệt hại do loài sao biển phát triển với số lượng lớn dùng san hô làm thức ăn./.


(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục