Chiều 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Hải quan cần phải khắc phục triệt để những bất cập trong tổ chức, hoạt động của hải quan, qua đó từng bước hiện đại hóa, đặc biệt là hải quan điện tử phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bàn về địa bàn hoạt động hải quan (Điều 7), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tán thành với quan điểm của Ủy ban Pháp luật là cơ quan tiến hành thẩm tra dự án Luật, đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Luật.
Đối với vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam như vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác vì mục đích kinh tế. Nếu tại các địa điểm này xuất hiện các yêu cầu về kiểm tra hải quan thì cơ quan hải quan thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật. Đây cũng là thực tiễn đang diễn ra tại một số địa điểm trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam như địa điểm khai thác dầu khí, một số địa điểm khác trên biển có tiến hành việc xuất khẩu dầu thô... Phạm vi thẩm quyền này đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 của dự thảo Luật. Việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan, bao gồm cả các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, quy định thẩm quyền của hải quan trên các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây cũng là quy định kế thừa Luật Hải quan hiện hành nhằm tiếp tục khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam, phù hợp với thực tiễn quản lý về hải quan.
Về hệ thống tổ chức hải quan , theo quy định của Luật hiện hành, cục hải quan được tổ chức theo mô hình tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, đã có 34 cục hải quan tỉnh, liên tỉnh được thành lập, hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các địa bàn khác nhau, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, khối lượng công việc khác nhau.
Các ý kiến thảo luận đều cho rằng việc quy định cơ quan hải quan gắn với địa giới hành chính như Luật hiện hành là chưa phù hợp; đề nghị tổ chức không phụ thuộc hành chính lãnh thổ để đảm bảo tính khách quan.
Thảo luận về trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan, theo quy định của Luật Hải quan hiện hành và các luật chuyên ngành có liên quan, một số loại hàng hóa cần phải có kết quả kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng loại hàng hóa, có những loại phải chuyển về các địa điểm kiểm tra chuyên ngành ngoài cửa khẩu để kiểm tra hoặc trong thời gian chờ kết quả kiểm tra mẫu, phải chuyển hàng hóa tới các kho chuyên dụng để bảo quản, lưu giữ. Thủ tục này trên thực tế làm phát sinh trách nhiệm của cơ quan hải quan, chủ hàng hóa, cơ quan chuyên ngành trong việc giám sát, bảo quản, lưu giữ hàng hóa. Đây là vấn đề thực tế đặt ra cần giải quyết để xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa các chi phí phát sinh và tiêu cực, lãng phí.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành theo hướng xác định rõ trách nhiệm giám sát của cơ quan hải quan đối với tất cả các hàng hóa trước khi thông quan, đồng thời để cơ quan hải quan có thể thực hiện được công việc này thì cần quy định rõ t rường hợp pháp luật cho phép đưa hàng hóa về địa điểm khác để tiến hành việc kiểm tra chuyên ngành, hoặc chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì địa điểm lưu giữ hàng hóa phải đáp ứng được điều kiện giám sát hải quan (điều kiện về kho bãi, thiết bị giám sát...); xác định rõ trách nhiệm của người khai hải quan trong việc bảo quản, lưu giữ hàng hóa cho đến khi được thông quan; bổ sung quy định cơ quan kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành trong việc phối hợp với cơ quan hải quan quản lý hàng hóa, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế một cửa một quốc gia.
Đối với thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng dự án Luật cần lưu ý để thể hiện được nội dung phát huy sức mạnh tổng hợp, thế trận toàn dân trong công tác phòng, chống buôn lậu, trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm chủ trì của hải quan trong thực thi nhiệm vụ này. Đại biểu đề nghị xác định rõ trách nhiệm của các địa phương và cơ chế phối hợp trong thực hiện chức trách này.
Thời gian còn lại của buổi chiều, theo Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội.
Ngày mai (15/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016; cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân./.