Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.
Tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong công tác lý lịch tư pháp
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, sau 6 năm thi hành, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế. Theo đó, một số quy định của Luật Lý lịch tư pháp chưa phản ánh được những nội dung mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, quy định của Luật Lý lịch tư pháp liên quan đến xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn hạn chế.
Từ thực tế này, dự án Luật được xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của Luật Lý lịch tư pháp với các văn bản pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là chế định đương nhiên xóa án tích quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác lý lịch tư pháp. Dự án Luật sửa đổi 15 điều, bổ sung 3 điều, bãi bỏ 7 điều, 1 khoản.
Cần bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, mặc dù số lượng điều luật được sửa đổi, bổ sung không nhiều, nhưng nội dung có sự thay đổi cơ bản so với Luật hiện hành, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng, chủ thể được điều chỉnh của Luật. Do vậy, đối với từng phương án sửa đổi cụ thể, báo cáo đánh giá tác động cần toàn diện và đầy đủ hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, chỉ rõ phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung như dự án Luật chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Do vậy, cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì chủ thể này cũng đồng thời có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng án tích, nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Điều 89 của Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định pháp nhân thương mại bị kết án có đủ điều kiện thì đương nhiên được xóa án tích.
[Sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp phù hợp quyền và lợi ích của công dân]
“Trong khi Tờ trình nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là việc sửa đổi Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhất là chế định đương nhiên xóa án tích được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, nhưng Tờ trình và dự án Luật lại không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại,” Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích và khẳng định việc nghiên cứu, bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào dự án Luật là yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, ở thời điểm hiện tại, việc bổ sung nội dung trên chưa thể thực hiện được. Bởi theo quy định tại Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp, thông tin về lý lịch tư pháp bao gồm án tích và tình trạng thi hành án. Theo đó, các thông tin về tình trạng thi hành án đối với pháp nhân thương mại và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin về thi hành án phải được quy định trong Luật Thi hành án hình sự. Do đó, để có đủ cơ sở quy định về án tích của pháp nhân thương mại, các đại biểu cho rằng, việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp cần thực hiện sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự được thông qua (tháng 10/2018). Các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Cân nhắc bỏ quy định về Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Tại phiên họp, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến là việc bỏ quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 và bổ sung quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.
Luật hiện hành quy định, có 2 loại Phiếu lý lịch tư pháp được cấp là Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Khác với Phiếu lý lịch tư pháp số 1, Phiếu số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa và chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân đã gây tốn kém, mất thời gian, thủ tục; đồng thời ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích và đề nghị bỏ quy định này.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, việc bỏ quy định về Phiếu lý lịch tư pháp số 2 như trong dự án Luật cần cân nhắc kỹ vì việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng để hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết và thực tiễn thi hành Luật Lý lịch tư pháp thời gian qua không có vướng mắc. Hơn nữa, nếu bỏ quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho công dân, ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu chính đáng của đa số công dân không có án tích có nhu cầu du học, kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động hoặc định cư ở nước ngoài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm: "Công dân đi nước ngoài, yêu cầu được cung cấp lý lịch tư pháp là điều đáng mừng bởi điều này chứng tỏ luật đi vào cuộc sống. Tôi không đồng tình với cách giải thích như trong Tờ trình có chuyện lạm dụng ở đây, phải chăng vì việc nhiều quá, không đủ người làm nên mới yêu cầu sửa đổi."
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, tình trạng lạm dụng cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 chủ yếu phát sinh ở những cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền yêu cầu cấp phiếu này. Vì vậy cần giải quyết vấn đề này trên thực tế, thay vì bỏ quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh, lý lịch tư pháp là "kho hồ sơ về tư pháp" phục vụ cho cơ quan tố tụng, tổ chức và công dân nên thông tin phải chính xác, đầy đủ. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, dự thảo Luật thay quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 bằng quy định cung cấp "Thông tin lý lịch tư pháp" theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tuy nhiên những thông tin này giá trị tư pháp chưa chắc đã đúng, vì thế bắt buộc phải có các loại lý lịch tư pháp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tư pháp cần bàn bạc, làm rõ những nội dung này sau đó báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Cũng trong phiên làm việc sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13 và việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân trên phạm vi cả nước. Với đa số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán các Tòa án nhân dân./.