Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã khai mạc sáng 10/8 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết phiên họp có nhiều nội dung quan trọng, tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 17 dự án luật và một dự án pháp lệnh.
Các dự luật này là các luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có nhiều dự luật quan trọng như Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật An toàn thông tin; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tín ngưỡng tôn giáo…
Với khối lượng công việc lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có cách làm khoa học, đảm bảo nội dung, chất lượng công việc, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 10.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; việc gia nhập Công ước Vienna năm 1980; sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội…
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại để có những quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, đối với quy định về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán (Điều 8) cần có những quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, tiêu chuẩn chung, sau đó mới giao cho Bộ trưởng Tài chính ban hành chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở tham khảo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Giải trình vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách là cơ quan thẩm tra dự thảo luật nêu quan điểm rằng chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán bao gồm các nguyên tắc và phương pháp kế toán, được quy định rất chi tiết, cụ thể; số lượng các văn bản hiện hành quy định về chuẩn mực kế toán rất nhiều, khó có thể luật hóa. Do đó, dự thảo luật chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc và giao Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán.
Khẳng định tầm quan trọng của Luật Kế toán trong điều kiện hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh dự luật cần phải đảm bảo sự công khai, minh bạch, chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán kỹ thêm, có những quy định chi tiết ngay trong luật như nội dung về lập hội, kiểm toán nội bộ…
Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Nhấn mạnh Luật Kế toán cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần cụ thể hóa tối đa những nguyên tắc bắt buộc trong luật, đảm bảo tính hợp hiến và đồng bộ của pháp luật…
Thời gian còn lại của phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật phí, lệ phí.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm về phí, lệ phí và giá dịch vụ, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, làm căn cứ phân loại Danh mục phí, lệ phí, giá dịch vụ được chính xác.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng về bản chất, phí, lệ phí và giá dịch vụ là khác nhau. Giá dịch vụ là quan hệ cung cầu, mang tính ngang giá và tính đến lợi nhuận của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước đầu tư, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân. Phí là khoản thu của Nhà nước khi thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho người dân, mang tính bù đắp chi phí bỏ ra khi Nhà nước cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản thu có tính chất bắt buộc, thông qua hoạt động quản lý nhà nước.
Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và tránh tình trạng lạm thu tạo gánh nặng cho người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quy định Danh mục phí và lệ phí chi tiết, cụ thể hơn đến từng loại phí, lệ phí ngay trong Luật. Tuy nhiên, mỗi loại phí, lệ phí có nhiều khoản, dòng khác nhau, cách tính và mức thu khác nhau, do vậy có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, để đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, các ý kiến đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành với đề nghị đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục và Luật Giá, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước đã được chuyển sang cơ chế giá và đang được Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế... Nghị định đã quy định rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đã có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo khi chuyển sang thực hiện cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và dự án Luật Thống kê (sửa đổi)./.