Sau một thời gian đồn đoán, Microsoft hồi đầu tháng Sáu đã chính thức công bố rằng họ đang tiến hành đàm phán mua lại trang web lưu trữ mã nguồn mở GitHub với giá 7,5 tỷ USD tính theo cổ phiếu.
Nền tảng này là một nguồn tài nguyên quan trọng cho khoảng 28 triệu nhà phát triển phần mềm trên thế giới, và là nơi lưu trữ hàng tỷ mã nguồn mở.
Giới quan sát cho rằng động thái trên là một bước đi khá phù hợp với xu hướng của Microsoft khi trong những năm gần đây “đại gia” ngành công nghệ này ngày càng quan tâm hơn tới các chương trình sử dụng mã nguồn mở.
Nhưng trang web được giới phát triển phần mềm này cũng có thể mang đến những “cơn đau đầu” cho nhà quản lý. Microsoft sẽ sớm phải đưa ra quyết định chính thức về “số phận” những kho chứa mã nguồn xung đột với lợi ích riêng của công ty này. “Người khổng lồ” công nghệ cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức về kiểm duyệt nội dung - tương tự những gì mà Facebook và Google phải thực hiện - nhưng với các dòng mã thay vì các phát ngôn.
GitHub: “Facebook” của giới lập trình viên
Được tạo ra hơn một thập kỷ trước, GitHub là nơi các nhà phát triển thuộc gần như mọi công ty và tổ chức sản xuất phần mềm lớn, từ Google đến Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), chia sẻ thông tin và hợp tác.
Về cơ bản, GitHub là một nền tảng cung cấp dịch vụ quản lý mã nguồn trực tuyến được xây dựng dựa trên Git - một hệ thống quản lý các phiên bản mã nguồn phân tán ( DVSC). Hệ thống này giúp mỗi nhà phát triển lưu trữ và theo dõi những thay đổi trên một mã nguồn gốc do chính họ hay bên hợp tác tiến hành, đồng thời lưu từng phiên bản của mỗi lần thay đổi vào mã nguồn để nhà phát triển có thể dễ dàng khôi phục lại một phiên bản mã nếu có những biến đổi không mong muốn xảy ra.
[Microsoft xác nhận mua kho mã nguồn GitHub với giá 7,5 tỷ USD]
Git cũng cho phép các bên hợp tác có thể theo dõi những thay đổi của nhau nhằm tránh sự trùng lặp hay các lệnh mâu thuẫn nhau. Tất cả các phiên bản và mã nguồn gốc sẽ được đưa vào một kho lưu trữ mã nguồn (repository).
GitHub gần như trở thành một “Facebook” cho các nhà lập trình. Tại đây có rất nhiều dự án đa dạng như mã cho đồng tiền điện tử bitcoin hay tất cả các luật và quy định của chính phủ Đức. Những đóng góp của các lập trình viên cho GitHub thậm chí có thể coi là một bản lý lịch công việc phi truyền thống mà các công ty phần mềm hoàn toàn chấp nhận và còn đánh giá cao. Bởi vì bất kỳ ai cũng có thể đưa một mã nguồn mở lên GitHub một cách miễn phí, nền tảng này kiếm nguồn thu từ việc tính phí bảo mật cho các cá nhân và tập đoàn muốn giữ các đoạn mã riêng.
Microsoft và những “chông gai” từ thương vụ GitHub
85 triệu kho chứa mã nguồn của GitHub giúp biến đây trở thành một trong những trang web phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong số này bao gồm cả những dự án mà chủ sở hữu mới của GitHub có thể cảm thấy “không thoải mái.”
Lấy ví dụ như trình giả lập hệ máy chơi điện tử cầm tay Xbox được lưu trữ trên GitHub. Chúng là các chương trình tự chế cho phép mọi người có thể chơi những trò chơi thuộc hệ cầm tay trên máy tính cá nhân của họ. Vấn đề là Microsoft sở hữu Xbox, và họ sẽ bị thiệt hại khi game thủ từ chối mua bản cầm tay và thay vào đó là chơi các bản giả lập trên máy tính.
Song những chương trình giả lập này đặt ra một vấn đề khá thú vị cho Microsoft: Nếu yêu cầu dỡ những chương trình này, họ có thể sẽ làm các nhà phát triển giận dữ, nhưng không làm như vậy thì sẽ đi ngược lại các lợi ích kinh doanh của chính mình.
GitHub cũng chứa mã cho phép mọi người tạo ra những video “deepfake,” một công nghệ sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để hoán đổi khuôn mặt của một người sang cơ thể của người khác với độ chân thực rất lớn và khó phân biệt được bằng mắt thường. Sau khi bị phát hiện lần đầu tiên hồi năm 2017, Deepfake đã bị gần như tất cả các mạng xã hội lớn “cấm cửa.” Nhưng mã nguồn được sử dụng để tạo ra chúng vẫn tồn tại trên GitHub, dẫn đến một vấn đề liên quan đến tính đạo đức cho Microsoft.
Nhìn từ nhiều góc độ, việc kiểm duyệt mã nguồn được sử dụng để tạo ra nội dung phản cảm còn khó hơn là việc cấm chính nội dung đó. Mã giúp tạo ra nội dung phản cảm không có lỗi khi nó hoàn toàn có thể được sử dụng cho những mục đích hữu ích khác. Nhưng Microsoft sẽ phải suy nghĩ cẩn thận về việc liệu họ có nên lưu trữ các công cụ cho phép người dùng tạo ra những chương trình có thể gây hại hay không, mặc dù chúng không hoàn toàn bất hợp pháp.
Microsoft cũng có thể gặp phải vấn đề với GitHub ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc. Không giống các trang mạng xã hội như Facebook, chính phủ Trung Quốc không thể chỉ đơn giản chặn GitHub vì điều này đồng nghĩa với việc ngăn các nhà phát triển của nước này truy cập vào các mã nguồn mở có giá trị. Nhưng GitHub cũng lưu trữ nhiều nội dung nhạy cảm mà Trung Quốc muốn kiểm duyệt. Bắc Kinh đã nhiều lần, cả ép buộc lẫn nhã nhặn, yêu cầu GitHub dỡ bỏ những nội dung như vậy, song trang web này vẫn từ chối. Hiện một số nhà quan sát lo ngại Microsoft có thể chấp nhận những yêu cầu tương tự của Trung Quốc vì công ty có các lợi ích kinh doanh khác ở quốc gia này.
GitHub cũng đã từng bị kiểm duyệt ở một số quốc gia khác mà Microsoft có lợi ích kinh doanh, bao gồm Nga và Ấn Độ. Trước đây, Nga đã từng tạm thời chặn quyền truy cập vào GitHub hồi năm 2014 để do trang này lưu trữ các nội dung mô tả phương pháp tự tử. Sau đó, Ấn Độ cũng hạn chế GitHub vì lưu trữ nội dung được cho là do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đăng tải.
Ngoài ra, Microsoft cũng phải đối mặt với vấn đề người dùng từ bỏ GitHub vì lo ngại các biện pháp quản lý của Microsoft. GitLab, một trang web cung cấp dịch vụ tương tự và cạnh tranh với GitHub, cho biết họ đang ghi nhận sự gia tăng đột biến các dự án được xuất sang trang web của mình kể từ khi vụ mua bán được chính thức công bố.
Tính đến hiện tại, những lo ngại của các nhà phát triển về phương hướng điều hành của Microsoft vẫn chỉ là trên lý thuyết. Trong lúc thỏa thuận cuối cùng chưa hoàn tất, cả hai công ty đã từ chối cung cấp thêm thông tin cụ thể./.