Thượng viện Tây Ban Nha họp thông qua biện pháp cứng rắn với Catalonia

Thượng viện Tây Ban Nha dự kiến sẽ thông qua các kiến nghị của Thủ tướng Rajoy về giải tán chính quyền khu tự trị Catalonia, đồng thời phế truất Thủ hiến Carles Puigdemont.
Thượng viện Tây Ban Nha họp thông qua biện pháp cứng rắn với Catalonia ảnh 1 Toàn cảnh cuộc họp Thượng viện Tây Ban Nha ở Madrid ngày 26/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thượng viện Tây Ban Nga ngày 27/10 đã họp để thông qua các biện pháp khẩn cấp nhằm áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với vùng Catalonia.

Với việc đảng Nhân dân cầm quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy nắm đa số ghế, Thượng viện Tây Ban Nha dự kiến sẽ thông qua các kiến nghị của Thủ tướng Rajoy về giải tán chính quyền khu tự trị Catalonia, đồng thời phế truất Thủ hiến Carles Puigdemont.

Các biện pháp được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 28/10, theo đó chính quyền Madrid sẽ tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, công quỹ và đài phát thanh, truyền hình của vùng Catalonia.

[Tây Ban Nha kiên quyết thực thi pháp luật trong vấn đề Catalonia]

Trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Mariano Rajoy đã hối thúc các Thượng nghị sỹ ủng hộ các biện pháp cứng rắn đối với vùng Catalonia nhằm ngăn chặn mưu toan tuyên bố độc lập trái phép của vùng này.

Phát biểu trước Thượng viện tại Madrid, ông Rajoy kêu gọi các Thượng nghị sỹ ủng hộ kiến nghị phế truất ông Carles Puigdemont, cũng như cấp phó và toàn bộ các quan chức trong chính quyền vùng Catalonia.

Trước đó, ngày 26/10, ông Carles Puigdemont đã thể hiện thái độ mềm mỏng hơn khi tuyên bố sẽ không kêu gọi bầu cử sớm tại khu tự trị này, đồng thời cho biết "nghĩa vụ" của ông là tìm ra một giải pháp có thể đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay "nhằm tránh việc thi hành Điều 155 của Hiến pháp ảnh hưởng tới thể chế của vùng." Ông này cũng nhấn mạnh quyết định cuối cùng về tuyên bố độc lập phụ thuộc vào cơ quan lập pháp vùng Catalonia.

Cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập của Catalonia ngày 1/10 đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ngày 17/10 tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Catalonia là vô giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục