Với tỷ lệ phiếu ủng hộ 49/81, Thượng viện Cộng hòa Séc ngày 27/11 đã thông qua các thỏa thuận song phương đã ký với Mỹ, cho phép Mỹ đặt căn cứ rađa, một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) gây tranh cãi của Mỹ, trên lãnh thổ Séc.
Tuy nhiên, để có hiệu lực, những thỏa thuận trên cần được Hạ viện và Tổng thống Cộng hòa Séc phê chuẩn.
Tổng thống Séc Vaclav Klaus tháng Bảy vừa qua đã tuyên bố sẵn sàng ký các thỏa thuận trên, nhưng Hạ viện Séc cho tới nay vẫn chia rẽ về vấn đề này. Tiến trình thông qua các thỏa thuận trên tại Hạ viện nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn do liên minh cầm quyền không chiếm đa số.
Ngày 25/11 vừa qua, các nghị sỹ trong Hạ viện Séc đã ngăn cản một phiên họp quốc hội dự kiến thảo luận về kế hoạch bố trí trạm rađa trên. Thủ tướng Mirek Topolanek cho biết ông muốn cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Hạ viện diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức (vào tháng 1/2009).
Séc và Mỹ đã ký Hiệp ước cơ bản về triển khai một trạm rađa của Mỹ tại Brdy vào tháng 7. Tới tháng 9, hai nước đã ký văn kiện thứ hai liên quan kế hoạch này. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai một phần thuộc "lá chắn tên của" của Mỹ cho đến nay vẫn bị hơn 60% người dân Séc phản đối và đòi đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý.
Từ khi khởi xướng, kế hoạch triển khai NMD của Mỹ ở Đông Âu (gồm trạm rađa tại Séc và các tên lửa đánh chặn tại Ba Lan) luôn bị Nga phản đối do lo ngại sẽ đe dọa an ninh của nước này.
Ngày 13/11, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Mátxcơva có thể hủy bỏ dự án triển khai các tên lửa tầm ngắn Iskander tại tỉnh Kaliningrad gần biên giới Ba Lan, nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama từ bỏ kế hoạch thiết lập "lá chắn tên lửa" của Mỹ ở Đông Âu./.
(TTXVN/Vietnam+)