Ngày 9/12, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật có hiệu lực một lần cho phép đảng Dân chủ nâng trần vay nợ của quốc gia mà không cần phiếu ủng bộ từ đảng Cộng hòa, qua đó tránh nguy cơ Chính phủ Mỹ vỡ nợ.
Dự luật trên được thông qua tại Thượng viện với 59 phiếu thuận và 38 phiếu chống, trong đó 10 nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ dự luật. Trước đó, dự luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua đêm 8/12 với 222 phiếu thuận và 212 phiếu chống, trong đó chỉ có 1 nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu thuận.
Thông thường việc nâng trần nợ công đòi hỏi 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện, nghĩa là phải được sự ủng hộ của một số nghị sỹ Cộng hòa. Tuy nhiên, với luật mới nói trên, việc nâng trần nợ công chỉ cần tất cả số phiếu ủng hộ của các nghị sỹ Dân chủ mà không cần phiếu ủng bộ từ đảng Cộng hòa.
Các nghị sỹ Cộng hòa về cơ bản có thể đứng ngoài cuộc, không ngăn cản phe Dân chủ, nhưng cũng không ủng hộ phiếu nào cho việc tăng trần nợ.
[Thượng viện Mỹ thông qua dự luật tạm thời nâng trần nợ công]
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer bày tỏ lạc quan sau cuộc bỏ phiếu trên, cho rằng hai đảng sẽ "trên con đường bằng phẳng hơn" để nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hối thúc Quốc hội nhanh chóng nâng trần nợ công trước ngày 15/12.
Luật mới được thông qua nói trên là dự luật đầu tiên trong 2 dự luật cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua để nâng trần nợ công. Dự luật thứ hai, dự luật về thực hiện nâng trần nợ, dự kiến được Thượng viện và Hạ viện tiến hành bỏ phiếu thông qua lần cuối trước ngày 14/12, trước khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành 2 dự luật.
Ngày 14/10 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký ban hành luật tạm thời nâng giới hạn nợ công thêm 480 tỷ USD lên mức trần 28.900 tỷ USD.
Trong nhiều tháng qua, các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại cả hai viện Quốc hội đã gây khó khăn cho đảng Dân chủ về việc nâng mức trần nợ công, cũng như bác bỏ kế hoạch tăng chi tiêu và chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Joe Biden./.