Sau một thời gian dài tranh cãi và bị trì hoãn, Thượng viện Mỹ ngày 29/1 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, bất chấp việc Nhà Trắng trước đó cùng ngày tuyên bố Tổng thống Barack Obama sẽ phủ quyết dự luật này.
Sự kiện này đánh dấu “trận chiến” đầu tiên giữa Quốc hội do phe Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát với chính quyền trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn kết quả bỏ phiếu cho biết dự luật trên đã được thông qua với tỷ lệ 62 phiếu thuận và 36 phiếu chống. Trong cuộc bỏ phiếu này, chín Thượng nghị sỹ Dân chủ đã bỏ phiếu thuận thông qua dự luật, vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của phe Cộng hòa.
Tuy nhiên, dự luật vẫn chưa nhận đủ đa số 2/3 phiếu ủng hộ theo luật định để có thể trở thành luật mà không cần tổng thống phê chuẩn và nay văn kiện này phải hợp nhất với phiên bản đã được Hạ viện thông qua ngày 9/1 trước khi trình lên Tổng thống Obama xem xét.
Tổng thống Obama tuyên bố ông sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn tất một bản đánh giá đối với dự án Keystone XL trong vài tuần tới
Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố việc thông qua dự luật trên là một thành quả to lớn đối với nước Mỹ và Quốc hội “hy vọng tổng thống sẽ đồng ý ký ban hành thành luật."
Trong khi đó, các nghị sỹ Dân chủ cho rằng dự luật này giống như một "món quà" dành cho công ty dầu khí nước ngoài và không mang lại mấy lợi ích cho người dân Mỹ vì phần lớn lượng dầu sẽ được xuất khẩu.
Đảng Dân chủ đã cố gắng song không thể bổ sung vào dự luật các điều khoản sửa đổi như sử dụng sắt của Mỹ để xây hệ thống đường ống hay cấm xuất khẩu dầu tinh lọc, các sản phẩm hóa dầu và bảo vệ nguồn nước.
Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với vốn đầu tư 7 tỷ USD.
Với tổng chiều dài 3.462km chạy qua sáu bang của nước Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn, khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu của Canada cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.
Các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại dự án này sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi nó chạy qua.
Các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi dự án Keystone XL là ưu tiên hàng đầu khi đảng này nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội./.