Thượng viện Mỹ công bố dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020

Dự luật mang tên Đạo luật chi tiêu quốc phòng do thượng viện đề xuất với khoản chi 750 tỷ USD, có những điều khoản nổi bật như cho phép quân đội Mỹ mua thêm các máy bay chiến đấu F-35.
Máy bay chiến đấu F-35. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Máy bay chiến đấu F-35. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/5, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã công bố dự luật chi tiêu quốc phòng 2020.

Dự luật mang tên Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) do thượng viện đề xuất với khoản chi 750 tỷ USD, có những điều khoản nổi bật như cho phép quân đội Mỹ mua thêm các máy bay chiến đấu F-35 do Lockheed Martin sản xuất và hỗ trợ hoàn toàn chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của quốc gia này.

Trong nội dung dự luật, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho rằng vị thế quân sự của quốc gia này đang bị bào mòn trong thời gian qua và chịu những mối đe dọa từ những quốc gia cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc và Nga.

Dự luật này cũng có điều khoản yêu cầu thiết lập một danh sách các viện và công ty Trung Quốc có liên quan tới các đơn vị quân đội để sử dụng trong quá trình xét duyệt đơn cấp thị thực cho sinh viên và nhà nghiên cứu từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, dự luật cũng bao gồm khoản 3,6 tỷ USD có thể bổ sung cho quỹ xây dựng bức tường biên giới với Mexico, nhưng không chấp thuận các quỹ bổ sung theo yêu cầu của Nhà Trắng.

[Quân đội Mỹ hợp tác với Lockheed Martin phát triển module tên lửa]

Dự luật cho phép Lầu Năm Góc mua 94 máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin, bao gồm 60 máy bay F-35A, 12 máy bay F-35B và 22 máy bay F-35C.

Hiện Lockheed đang phát triển và xây dựng các loại máy bay chiến đấu mới cho quân đội Mỹ và 10 quốc gia khác.

Dự luật lần này cũng loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi danh sách các quốc gia hợp tác phát triển máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ 5.

Cũng giống như các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ là một khách hàng và một đối tác tiềm năng trong sản xuất F-35, nhưng các quan chức Mỹ cho rằng việc quốc gia này lên kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga có thể ảnh hưởng tới độ an toàn của F-35.

Dự luật năm nay còn có điều khoản cho phép thành lập Lực lượng vũ trụ, đề xuất nhận được sự ủng hộ tích cực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, như một dịch vụ riêng biệt nhưng vẫn là một phần của Không quân Mỹ. Ngoài ra, NDAA phiên bản thượng viện cũng cấm Lầu Năm Góc giảm quân số Mỹ đóng tại Hàn Quốc xuỗng dưới mức 28.500 người.

Theo thông lệ, dự luật sẽ phải trải qua một số lần xem xét trước khi trở thành luật chính thức. Tháng tới, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, do phe Dân chủ kiểm soát, sẽ công bố phiên bản dự luật của riêng hạ viện.

Hai ủy ban sau đó sẽ phải thống nhất để có được một phiên bản kết hợp trước khi được mang ra bỏ phiếu tại quốc hội. NDAA là một trong số ít các dự luật mà Quốc hội Mỹ thông qua mỗi năm.

Hiện vẫn còn quá sớm để biết chính xác điều khoản nào trong dự luật của thượng viện sẽ có mặt trong phiên bản kết hợp cuối cùng, nhưng các trợ lý của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ bày tỏ hy vọng hầu hết các điều khoản lớn sẽ được giữ lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục