Trong một động thái đi ngược lại quyết định trước đó của Hạ viện nhưng phù hợp với nguyện vọng của Nhà Trắng, ngày 18/11, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ dự luật xây dựng tuyến đường ống chuyển dầu từ Canada vào lãnh thổ nước Mỹ mang tên Keystone XL.
Với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống, Thượng viện Mỹ hiện vẫn do đảng Dân chủ nắm quyền, đã bác bỏ dự luật cho phép xây dựng tuyến đường ống Keystone XL chuyển dầu từ các mỏ ở Canada, chạy dọc nước Mỹ xuống tận các nhà máy lọc dầu ở các bang miền Nam.
45 nghị sỹ đảng Cộng hòa và 14 nghị sỹ đảng Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ dự án này. Tuy nhiên theo quy định, phải có ít nhất 60 nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ thì dự luật này mới được thông qua tại Thượng viện.
Hồi tuần trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua dự án Keystone XL với 252 phiếu thuận và 161 phiếu chống.
Đây là lần thứ 9 Hạ viện Mỹ thông qua dự luật liên quan tới Keystone XL với hy vọng dự luật này cũng sẽ được thông qua tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa vừa giành nốt quyền kiểm soát đa số trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 4/11 vừa qua.
Trước quyết định mới nhất tại Thượng viện, các nghị sỹ Cộng hòa khẳng định sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu nữa vào tháng 1/2015 khi Quốc hội mới bắt đầu làm việc và đảng Cộng hòa sẽ chính thức lên nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với vốn đầu tư 8 tỷ USD.
Với tổng chiều dài 3.462 km chạy qua 6 bang của nước Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn, khi hoàn tất có thể vận chuyển 700.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu của Canada cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.
Phe Cộng hòa cho rằng việc xây dựng đường ống sẽ giúp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới cho người dân Mỹ cũng như giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí ở Trung Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã bác bỏ ý kiến cho rằng Keystone XL là một dự án tạo ra nhiều việc làm và tuyên bố sẽ sử dụng quyền người đứng đầu cơ quan hành pháp để phủ quyết, nếu dự luật gây tranh cãi hơn 6 năm qua này được cả lưỡng viện Quốc hội thông qua.
Ngoài việc không nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng, Keystone XL cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nhà môi trường của hai nước do lo ngại dự án này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường khi có thể khiến nhiều khu vực sinh thái bị phá hủy./.