Ngày 27/6, phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn báo cáo điều tra của Thượng viện Brazil khẳng định không có bằng chứng cho thấy bà Dilma Rousseff, người đang bị bãi miễn chức Tổng thống, có liên quan tới cáo buộc vi phạm tài chính.
Thông cáo của Thượng viện Brazil nêu rõ kết quả điều tra do các chuyên gia tiến hành dài 223 trang theo yêu cầu của bên bào chữa cho bà Rousseff cho thấy Tổng thống chính là người đã ký một số sắc lệnh liên quan tới việc vay tiền của các ngân hàng nhà nước mà không được Quốc hội thông qua, tuy nhiên bà này không hề liên quan tới việc chậm chễ trong thanh toán các khoản vay tín dụng như cáo buộc của phe đối lập, lý do khiến bà hiện bị bãi miễn chức vụ.
Phe chống lại bà Rousseff, trong đó có Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của Tổng thống lâm thời Michel Temer, tố cáo bà Rousseff thường xuyên chậm thanh toán các khoảng vay của Ngân hàng Brazil, Kho bạc liên bang và Ngân hàng Phát triển kinh tế và Xã hôi (BNDES) và đã dùng số tiền đó tài trợ cho các chương trình xã hội trong năm bầu cử 2014, nhằm che đậy tình trạng thâm hụt ngân sách cao.
Với lời tố cáo này, bà Rousseff đã bị lưỡng viện Quốc hội đình chỉ chức vụ để xem xét khả năng đưa bà này ra xét xử và phế truất.
Đầu tháng Tám tới, Thượng viện sẽ nhóm họp để bỏ phiếu thông qua báo cáo điều tra nói trên. Nếu 41 trong tổng số 81 thượng nghị sỹ vẫn bỏ phiếu đồng ý tiếp tục quá trình xét xử Tổng thống Rousseff thì vào giữa tháng Tám, Thượng viện lại họp phiên toàn thể.
Nếu trong vòng bỏ phiếu này 54 nghị sỹ (2/3 số ghế) vẫn bỏ phiếu chống bà Rousseff thì Tổng thống sẽ chính thức bị phế truất và ông Temer sẽ cầm quyền tới hết tháng 12/2018. Nếu điều này không xảy ra, bà Rousseff sẽ được trở lại cầm quyền.
Cùng ngày, Viện điều tra Ipsos của Brazil đã đăng kết quả thăm dò dư luận cho thấy chỉ sau hơn 6 tuần điều hành đất nước của Tổng thống Temer, tỷ lệ phản đối ông này của người dân nước Nam Mỹ đã tăng tới 9% , từ mức 61 lên 70%.
Các cử tri cho rằng nạn tham nhũng là vấn đề trầm trọng nhất hiện nay trong chính giới Brazil.
Hiện đã có 3 bộ trưởng trong thành phần nội các của ông Temer buộc phải từ chức vì bị tình nghi dính líu tới tham nhũng với số tiền lên tới hàng triệu USD.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil xảy ra đúng thời nước này đang chìm trong khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng với một loạt vấn đề bao gồm tăng trưởng âm, thâm hụt ngân sách cao, sức tiêu dùng sụt giảm, đồng real mất giá, lạm phát ở mức hai con số./.