Xác nhận tính hợp lệ về các quyền lợi của hơn hai triệu người Anh đang sinh sống tại Liên minh châu Âu (EU), cũng như của các công dân EU đang sinh sống tại Anh trong trường hợp Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) sẽ là một "nhiệm vụ vô cùng phức tạp và gây nản chí."
Ủy ban Thượng viện Anh về EU đã đưa ra cảnh báo trên trong một báo cáo công bố ngày 4/5, giữa lúc các cuộc tranh luận về vấn đề Anh ra đi hay ở lại EU đang nóng lên trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân vào tháng Sáu tới.
Báo cáo của Ủy ban Thượng viện Anh về EU nhấn mạnh không ai có thể khẳng định chắc chắn tiến trình thương lượng về việc rút khỏi EU để bắt đầu một mối quan hệ mới sẽ mất bao lâu nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh này.
Báo cáo dẫn ý kiến của hai luật sư cao cấp là ông David Edward - cựu thẩm phán của Tòa án Công lý EU, và giáo sư Derrick Wyatt QC thuộc Đại học Oxford cho rằng tiến trình này có thể kéo dài nhiều năm, ví dụ như các thỏa thuận thương mại giữa EU và các nước không phải thành viên EU mất trung bình từ 4-9 năm để hoàn tất.
Bên cạnh đó, việc xác định và giải quyết quyền lợi của khoảng 2 triệu công dân Anh đang sinh sống tại các nước EU, cũng như khoảng chừng đó công dân EU đang sinh sống tại Anh là một công việc hết sức phức tạp bởi nó "động chạm" đến nhiều vấn đề, từ quyền được cư trú, chăm sóc y tế, học hành, duy trì các khoản phúc lợi xã hội... cho tới các dự án nghiên cứu và hợp đồng xuyên biên giới.
Bất chấp khẳng định của Chính phủ Anh rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân là "không thể đảo ngược" với ngụ ý nhắc nhở cử tri cần cân nhắc kỹ lưỡng về sự lựa chọn của mình trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới, báo cáo này chỉ ra rằng sẽ vẫn có "cửa" đảo ngược quyết định rút khỏi EU - ví dụ như nếu có sự thay đổi chính phủ.
Báo cáo kết luận rằng "không có chi tiết nào trong trong điều 20 (điều khoản duy nhất nói về việc rời khỏi EU) chính thức ngăn cản một nước thành viên đảo ngược quyết định ra đi" và "các hậu quả chính trị của sự thay đổi ý định như vậy là khá lớn"./.