Thường trực Ban Bí thư: Chú trọng phát hiện, xử lý vụ án tham nhũng

Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngành kiểm sát tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã khởi tố, chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng mới, không có vùng cấm.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 8/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm

Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 3.115 vụ án, tăng 64% so với nhiệm kỳ trước.

Viện Kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố 148 vụ án, tăng 7,2%; trực tiếp hủy 702 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án (tăng 13,4%); qua đó góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Theo Chỉ thị công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, toàn ngành tiếp tục thực hiện phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả” và tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, đáng chú ý, ngành Kiểm sát tập trung thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hình sự.

[Nâng cao hiệu quả tham mưu, chỉ đạo các vụ việc về tham nhũng, kinh tế]

Ngành chủ động đề ra các yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ theo cả hướng buộc tội và gỡ tội một cách khách quan, thận trọng; trên cơ sở đó để định hướng quá trình điều tra làm rõ bản chất vụ, việc. Đồng thời, kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm lãnh đạo, kiểm sát viên để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm; định kỳ, tổng hợp thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng để ban hành thông báo rút kinh nghiệm.

Nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự; yêu cầu thẩm vấn làm rõ các vấn đề trước khi phát biểu quan điểm giải quyết; đối đáp có căn cứ, đầy đủ các ý kiến của luật sư, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tố tụng tại phiên tòa và bản án, quyết định của Tòa án.

Viện Kiểm sát tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đảm bảo đúng tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc; tăng cường công tác phối hợp nhằm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Toàn ngành xác định công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2021 và nhiệm kỳ tới.

Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, thời gian qua, ngành Kiểm sát đã bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị; tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là các văn bản, phục vụ hiệu quả việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Viện Kiểm sát các cấp đã thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật nhằm bảo đảm cho Viện Kiểm sát thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Vai trò, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự được tăng cường, chất lượng tranh tụng được nâng lên, góp phần quan trọng bảo đảm khách quan, dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích cùa công dân.

Năm 2020 và trong nhiệm kỳ vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao, tập trung giải quyết các vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; trách nhiệm, vai trò của Viện Kiểm sát được nâng lên rõ rệt, góp phần giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Thông qua hoạt động kiểm sát, ngành đã tích cực tham mưu cho Đảng, Quốc hội nhiều giải pháp hay trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, qua đó đánh giá thực chất kết quả hoạt động tư pháp của các cơ quan tố tụng và trong đó có ngành Kiểm sát.

"Có thể nói, năm 2020 và cả nhiệm kỳ qua, ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao, góp phần tích cực vào việc giữ gìn kỷ cương, phép nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - Thường trực Ban Bí thư ghi nhận.

Trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành Kiểm sát cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp.

Nhiệm kỳ 2021-2026 là giai đoạn bắt đầu xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp mới theo Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, ngành Kiểm sát cần phải chuẩn bị tốt, cùng các ngành nghiên cứu tham mưu với Trung ương về Chiến lược cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.

Theo Thường trực Ban Bí thư, ngành Kiểm sát cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.

Ngành tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự; bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát phải tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cùng với đó, ngành Kiểm sát tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động kiểm sát, tăng cường các nguồn lực, bảo đảm cho Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý ngành kiểm sát quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, trọng tâm là xây dựng đội ngũ kiểm sát viên, điều tra viên có tính chuyên nghiệp cao, giỏi chuyên môn, trọng danh dự, tâm huyết, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục