Triển lãm “Thương nhớ Tràng An” giới thiệu 35 bức tranh (vẽ acrylic trên giấy dó) của họa sỹ Đỗ Duy Minh. Chương trình đã chính thức khai mạc tối qua (20/11) và sẽ kéo dài đến hết 24/11 tại Nhà Triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).
Những họa phẩm giới thiệu tại đây đều có chung một mạch nguồn cảm xúc - "Thương nhớ Tràng An." Đó là cũng là lời từ biệt của ông gửi về nơi "chôn rau, cắt rốn."
Ký ức người viễn xứ
“Hiện nay, họa sỹ Đỗ Duy Minh đang sinh sống tại Canada. Vì lý do sức khỏe, ông không thể trở về để trực tiếp tổ chức triển lãm lần này,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - đại diện Nhóm Nhân sỹ Hà Đông (ban tổ chức triển lãm) cho biết.
35 bức tranh gói trọn cả những âu lo, tiếc nuối, xa cách và thương nhớ của tác giả về không gian văn hóa Tràng An. Người họa sỹ già nơi viễn xứ muốn tìm lại, níu kéo và lưu giữ những vẻ đẹp xưa cũ của Hà thành với thái độ quyết liệt.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể, trước đây, mỗi lần trở về Việt Nam, họa sỹ Đỗ Duy Minh vẫn miệt mài kiếm tìm, chắp nối những mảnh ký ức về những vẻ đẹp vừa thiêng liêng vừa gần gũi, quen thuộc của Hà Nội. Ông lang thang phố cổ, hít hà những mùa sen Tây Hồ, lặng mình trước không gian mênh mông nơi bãi sông Hồng để rồi chìm vào nhịp sống của những xóm ngoại ô…
Ký ức của người viễn xứ luôn hiện hữu những nét đặc trưng nhất của đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Ông đã dùng những hoài niệm ấy làm chất liệu cho chính những bức tranh “Thương nhớ Tràng An.”
35 bức tranh của họa sỹ Đỗ Duy Minh dẫn dắt người xem vào một cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp xưa cũ của Tràng An với hoa gạo tháng Tư, những mái nhà lô xô nơi phố cổ, hình ảnh thiếu phụ trong tà áo dài thướt tha hay không gian các đền, chùa, lễ hội…
[Sững sờ với bức họa đầu tiên trên thế giới do "họa sỹ" AI thực hiện]
“Thương nhớ Tràng An” cũng kể câu chuyện, nỗi nhớ quay quắt của người tha hương về nhịp sống Hà thành cách đây chừng năm, sáu thập kỷ gắn với hình ảnh rơm rạ, đèn dầu, thiếu nữ trong trang phục áo yếm, váy đụp, khăn mỏ quạ… Hơn 40 năm sống tại quê nhà, cuộc sống của họa sỹ gắn với không gian của một Hà Nội từ những năm Pháp thuộc, trong chiến tranh rồi qua thời bao cấp…
Hà thành trong tranh họa sỹ Đỗ Duy Minh không chỉ mang vẻ thanh lịch, quý phái mà còn chứa đựng những nét đẹp rất đời, mộc mạc, gần gũi…
Gương mặt quen của giới văn nghệ
“Trong những lần trở về quê hương, ông không giấu được nỗi buồn trong đáy mắt khi chứng kiến sự đổi thay đến chóng mặt của nơi này. Bởi vậy, tranh của người viễn xứ cũng phảng phất nỗi buồn. Ông khát khao tìm lại, níu kéo những vẻ đẹp xưa cũ và qua tranh, ông cũng nhắn gửi đến lớp hậu sinh, hãy gìn giữ những nét đẹp đặc trưng quý giá ấy,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Họa sỹ Đỗ Duy Minh sinh năm 1937 tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1968. Họa sỹ định cư tại Canada từ năm 1980.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, Đỗ Duy Minh là một trong những gương mặt họa sỹ gốc Việt nổi bật ở Canada. Ông đã có nhiều triển lãm cá nhân tại Canada, trong đó, tiêu biểu là triển lãm tại White Stone Gallery, Edmonton (1992), triển lãm tại Thư viện Trung ương, Vancouver (2006)...
Tranh của ông cũng góp mặt trong các bộ sưu tập ở nhiều bảo tàng, trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Canada, Đức, Bulgary... Ở Việt Nam, tác phẩm của ông được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Cách mạng.
“Mặc dù định cư tại Canada từ năm 1980 nhưng Đỗ Duy Minh vẫn là cái tên quen thuộc với giới văn nghệ trong nước. Ông vẽ từ năm 21 tuổi và đeo đẳng với nghiệp ấy cho đến tận bây giờ. Trong những năm 1960s, họa sỹ Đỗ Duy Minh là tác giả của những bức tranh minh họa, bìa báo Tết ấn tượng trên nhiều ấn phẩm lớn như Báo Nhân dân, Báo Văn nghệ, Báo Quân đội Nhân dân…,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể./.